“Và đó là sai lầm của chúng tôi. Lẽ ra chúng tôi nên để Bưu điện Denver
trả số tem này lại Washington để giảm lượng cung trên thị trường.”
Knapp nói.
Bằng những nỗ lực phi thường để tự biến mình thành các bưu điện - mà
phần lớn là công sức của Knapp - họ đã thu thập được hơn 600.000 ngàn
con tem đại bàng xanh, tương ứng số tiền chi ra gần 25.000 đô la, một số
tiền rất lớn đối với Warren nếu xét về thái độ của ông đối với tiền bạc và
giá trị tài sản ròng của ông tại thời điểm đó. Họ lưu trữ những con tem
dưới tầng hầm nhà họ. Sau đó họ mới nhận ra điều mình đã làm: họ đã
khổ cực chất đầy các tầng hầm những con tem chưa bao giờ có giá trị
cao hơn 4 xu mỗi con. “Khi anh có quá nhiều tem thì việc sưu tập tem
của người khác không còn ý nghĩa gì nữa!” - Knapp giải thích.
Vì thế, bước tiếp theo là giải phóng các con tem. Warren giải quyết vụ
này một cách thành thạo như mọi khi: đưa tất cả số tem trị giá 25.000 đô
la sang cho Tom Knapp quản lý và xóa hết mọi thứ trong bộ nhớ của
mình, ngoại trừ chi tiết đó là một câu chuyện vui. Rồi ông quay lại cái
thực sự quan trọng hơn: kiếm lợi nhuận cho các công ty mà ông thành
lập và điều hành. Vào tháng Sáu năm 1957, một trong những cộng sự
ban đầu của ông, Elizabeth Peterson, hay mẹ của Chuck, đề nghị Warren
lập một công ty thứ tư có tên gọi là Underwood và đầu tư vào đó 85.000
đô la.
Vài tháng sau đó, vào mùa hè năm 1957, “Tôi nhận được điện thoại từ
Bà Edwin Davis. Trước đây họ từng là khách hàng thường xuyên của
tiệm rau quả Buffett. Chồng bà, Tiến sĩ Davis, là một nhà niệu khoa có
tiếng trong thành phố. Họ sống cách chúng tôi chỉ một vài khu nhà. Bà
ấy nói: “Tôi biết anh đang đầu tư tiền tệ. Anh có thể giúp giải thích đôi
điều cho chúng tôi không?””
Tiến sĩ Edwin Davis nổi tiếng khắp nước Mỹ. Một trong những bệnh
nhân của ông, Arthur Wiesenberger, sống tại New York, là một trong
những nhà quản lý tiền tệ nổi tiếng nhất của thời đại. Có lần Arthur đến
Omaha để được Edwin chữa trị một số “trục trặc” về tiền liệt tuyến và
rồi Davis trở thành khách hàng của Arthur từ dạo ấy.