6. NHỮNG CUỘC ĐUA TRONG BỒN TẮM
Ohama - năm 1930
Vào những năm 1920, thị trường chứng khoán bùng nổ như bong bóng
rượu sâm-banh thúc đẩy nhiều người bình dân tham gia đầu tư lần đầu
tiên trong đời họ.
Năm 1927, Howard Buffett quyết định tham gia và
xin vào làm nhân viên môi giới chứng khoán ở Ngân hàng Liên bang.
Cuộc bùng nổ chứng khoán kết thúc hai năm sau đó. Vào “ngày thứ Ba
đen tối” 29 tháng 10 năm 1929, thị trường mất 14 tỉ đô la chỉ trong vòng
một ngày.
Một khối tài sản gấp bốn lần ngân sách của Chính phủ
Hoa Kỳ bị bốc hơi chỉ trong vài giờ!
Sự sụt giảm của thị trường
chứng khoán năm 1929 trị giá 30 tỉ đô la, gần bằng với khoản chi phí
chiến tranh của nước Mỹ trong Thế chiến Thứ nhất.
Giữa những đợt phá sản và những vụ tự tử nối tiếp nhau, người ta bắt
đầu tích trữ tiền và không ai muốn đầu tư vào chứng khoán nữa.
“Phải mất bốn tháng cha tôi mới có được một thương vụ tiếp theo và vụ
đầu tiên của ông trị giá 5 đô la. Mẹ tôi thường theo cha tôi ra phố vào
buổi tối khi ông đến gặp một số người. Bà ngồi đợi trên xe trong khi ông
vào nhà họ, nhờ thế mà ông không cảm thấy “quá áp lực” mỗi khi về
nhà.”
Mười tháng sau cơn khủng hoảng, ngày 30 tháng 8 năm 1930, đứa con
thứ hai của gia đình Howard Buffett chào đời, sớm năm tuần so với dự
đoán.
Howard lo lắng đến gặp bố với hy vọng được nhận vào làm tại cửa hàng
của gia đình. Mọi người trong gia đình Buffett, dù có công ăn việc làm ở
nơi khác, vẫn chia sẻ một phần việc ở cửa hàng mỗi tuần, duy có ông anh
Fred là làm việc toàn thời gian với một đồng lương rất thấp. Lúc này,
Ernest bảo Howard rằng ông không có tiền để trả lương cho một người
nữa.