HỒNG LÂU MỘNG - Trang 21


Nói xong, thoáng một cái, hai người mất hút, không thấy đâu nữa. Sĩ Ẩn nghĩ bụng: “Hai
người này tất có lai lịch, đáng lẽ ta nên hỏi rõ mới phải, bây giờ ăn năn cũng muộn rồi”.
Sĩ Ẩn đương lúc vẩn vơ suy nghĩ, chợt trông thấy một nhà nho nghèo, ở trọ trong miếu
Hồ Lô, bên cạnh nhà mình, họ Giả tên Hóa, tên chữ là Thời Phi, biệt hiệu Vũ Thôn, đi
đến. Giả Vũ Thôn người Hồ Châu, vốn dòng thi thư thế hoạn, nhưng vì sinh vào lúc cảnh
nhà sa sút, của hết người hiếm, chỉ còn trơ trọi một mình. Ở nhà cũng vô ích, Vũ Thôn
lên Kinh mong lập công danh, dựng lại cơ nghiệp. Hắn đến đây từ năm ngoái, nhưng vì
túng thiếu nên đành ở tạm trong miếu, hàng ngày bán chữ viết văn để sống, bởi thế Sĩ Ẩn
thường cùng hắn đi lại chơi bời.
Vũ Thôn trông thấy Sĩ Ẩn, vội vàng chào hỏi:
Tiên sinh đứng ngóng gì đấy, chắc ngoài phố có cái gì mới lạ? Sĩ Ẩn cười đáp:
Chẳng có gì, chỉ vì cháu khóc, tôi mang nó ra đây. Đúng lúc buồn, lại gặp tôn huynh đến,
xin mời vào chơi, chúng ta nói chuyện tiêu khiển cho hết quãng ngày dài dằng dặc này.
Sĩ Ẩn sai người ẵm con đi, rồi dắt tay Vũ Thôn vào thư phòng, gọi tiểu đồng pha trà. Hai
người vừa mới nói chuyện được dăm ba câu thì có người nhà vào báo:
Có cụ Nghiêm tới chơi.
Sĩ Ẩn vội vàng đứng dậy cáo lỗi:
Xin tôn huynh thứ lỗi, hãy tạm ngồi chơi, tôi đi ra rồi sẽ trở lại ngay.
Vũ Thôn cũng đứng dậy, khiêm tốn nói: Xin tiên sinh cứ tự tiện, tôi đến chơi luôn, có chờ
một chút cũng chẳng sao.
Nói xong Sĩ Ẩn đi ra.
Vũ Thôn ngồi buồn, giở sách ra xem, chợt nghe ngoài cửa sổ có tiếng người con gái ho.
Vũ Thôn đứng dậy nhìn ra, thấy một a hoàn đương hái hoa, dáng điệu thanh nhã, mặt
mày tươi tắn, tuy không đẹp lắm, nhưng có một vài nét làm người ta xiêu lòng. Vũ Thôn
bất giác đứng ngây người ra. A hoàn hái hoa xong, sắp đi, bỗng ngẩng đầu lên trông thấy
có người đứng trong cửa sổ, áo cũ khăn rách, tuy có vẻ nghèo, nhưng lưng tròn, vai rộng,
mặt to, miệng vuông, lông mày sắc, đôi mắt sáng, mũi thẳng, má nở. Nó vội quay mình
lánh đi, nghĩ bụng: “Người này dáng điệu oai vệ sao lại ăn mặc lam lũ như vậy? Có lẽ là
ông Giả Vũ Thôn mà chủ ta thường nhắc đến chăng? Chủ ta vẫn có ý muốn giúp đỡ ông
ta, nhưng chưa có dịp. Những khách quen nhà ta không có ai nghèo túng cả. Nhất định là
ông ta, chứ chẳng còn ai. Thảo nào chủ ta thường nói ông này không phải là người chịu
khổ mãi”. Nghĩ thế, tự nhiên nó quay đầu lại nhìn. Vũ Thôn thấy a hoàn ngoảnh lại, cho
là nàng có ý với mình, vui mừng khôn xiết, nghĩ bụng: “Người con gái này có mắt tinh
đời, quả là người tri kỷ trong lúc phong trần”.
Một lúc tiểu đồng đi vào, Vũ Thôn mới biết ngoài nhà giữ khách lại ăn cơm. Hắn không
chờ được, bèn theo đường bên cạnh đi ra. Sĩ Ẩn thết khách xong, biết Vũ Thôn đã về rồi,
cũng không tiện cho đi mời nữa.
Một hôm vào tiết Trung Thu, ăn tiệc xong, Sĩ Ẩn sai dọn một tiệc nữa ở thư phòng, rồi tự
mình dưới bóng trăng đến miếu mời Vũ Thôn.
Từ ngày Vũ Thôn thấy a hoàn nhà họ Chân nhìn mình mấy lần, cho là tri kỷ, nên lúc nào
cũng mơ tưởng đến. Nhân gặp tiết Trung Thu, ngắm trăng nhớ đến người, Vũ Thôn ngâm
một bài thơ ngũ ngôn:

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.