Tử Hưng cười nói:
Không ngờ tiên sinh đỗ tiến sĩ, mà lại chẳng thông tí nào! Cổ nhân đã nói: “con sâu trăm
chân, chết vẫn không ngã”. Hai nhà này tuy không phồn thịnh bằng lúc trước, nhưng so
với những nhà sĩ hoạn bình thường vẫn còn khác xa. Hiện giờ người nhiều, công việc bề
bộn. Thế mà từ thầy đến tớ, chỉ biết hưởng thụ phú quý, không người nào lo tính công
việc. Đến nỗi hàng ngày phung phí cũng không biết tinh giảm; bề ngoài xem ra không
thấy có gì thay đổi, nhưng bề trong thực trống rỗng cả rồi. Đó là việc nhỏ, còn có việc lớn
nữa: một nhà phú quý dòng dõi thi thư như thế mà ai ngờ con cháu lại càng ngày càng
suy sút!
Vũ Thôn nói:
Những nhà thi lễ như thế, có lẽ nào lại không biết dạy bảo con cháu? Nhà khác thì tôi
không biết, chứ hai phủ Ninh, phủ Vinh, xưa nay dạy con vẫn có khuôn phép lắm kia mà?
Tử Hưng thở dài:
Tôi sẽ nói cho tiên sinh biết. Trước đây Ninh quốc công và Vinh quốc công là hai anh em
ruột. Ninh công là trưởng, đẻ hai con trai; khi Ninh công chết, con trai lớn là Giả Đại Hóa
tập tước; Đại Hóa đẻ được hai con: con lớn là Giả Phu, lên tám, chín tuổi thì chết; con
thứ là Giả Kính tập tước. Giả Kính một niềm mộ đạo, chỉ thích luyện đan, không để ý đến
một việc gì. May sớm đẻ được con trai là Giả Trân, vì bố thích đi tu tiên nên nhường cho
con tập tước. Ông ta không ở nhà, mà ra ở ngoài thành, sống chung lộn với bọn đạo sĩ.
Giả Trân đẻ được một con trai là Giả Dung, nay mới mười sáu tuổi. Bây giờ Giả Trân thì
không nhìn gì đến việc nhà, Giả Dung thì chẳng chịu học hành, chỉ chơi bời cho thỏa
thích, làm đảo lộn cả cơ nghiệp phủ Ninh, không ai dám ngăn cản cả. Còn như phủ Vinh,
vừa rồi tôi nói có việc lạ, tức là từ khi Vinh công chết, con trưởng là Giả Đại Thiện tập
tước, vợ Đại Thiện là họ Sử, con một tước hầu ở Kim Lăng, đẻ được hai con trai: trưởng
là Giả Xá, thứ là Giả Chính. Giả Đại Thiện chết sớm, còn vợ, con trưởng là Giả Xá được
tập tước. Con thứ là Giả Chính, từ bé ham học, được ông yêu, muốn cháu thi đỗ làm
quan. Không ngờ lúc Đại Thiện sắp chết, di biểu dâng lên, hoàng thượng thương nhớ
người bầy tôi cũ, liền cho con trưởng tập tước. Hoàng thượng lại hỏi còn mấy con cho
vào chầu ngay, rồi đặc cách cho Giả Chính hàm chủ sự vào bộ tập sự. Nay Giả Chính đã
được thăng Viên ngoại lang. Vợ Giả Chính là Vương thị, đẻ con đầu lòng là Giả Châu,
mười bốn tuổi đỗ tú tài, lấy vợ sinh con, nhưng chưa đến hai mươi tuổi thì ốm chết. Con
thứ hai là gái, đẻ đúng ngày mồng một tháng giêng, cũng là một sự lạ. Mấy năm sau lại
đẻ một vị công tử. Chuyện này lại càng lạ nữa: khi lọt lòng, trong miệng cậu ta ngậm một
hòn ngọc ngũ sắc, trên hòn ngọc có ghi nhiều chữ, nên mới đặt tên là Bảo Ngọc. Tiên
sinh bảo chuyện ấy có lạ không?
Vũ Thôn cười:
Như thế thì lạ thực! Người này chắc có một lai lịch khác thường! Tử Hưng cười nhạt:
Hàng vạn người đều nói như thế, vì vậy bà nội nó yêu quý nó như hòn ngọc báu. Khi đầy
năm, Giả Chính muốn thử chí hướng con về sau thế nào, mới đem những đồ chơi bày ra
trước mặt để xem nó quờ lấy cái gì. Ngờ đâu nó chẳng lấy cái gì, mà chỉ quờ lấy phấn
sáp, trâm vòng. Giả Chính không vui, bảo sau này chỉ là đồ tửu sắc, vì thế không yêu quý
lắm. Duy có bà Sử Thái Quân thì coi nó như là bản mệnh mình. Nói lại càng lạ: Ngày nay