Hồi 3.
Nhờ anh vợ, Như Hải đền được ơn dạy bảo;
Đón cháu ngoại, Giả mẫu xót thương trẻ mồ côi.
Vũ Thôn quay lại, thấy Trương Như Khuê, người vùng này, là bạn đồng liêu và cũng bị
cách chức như mình. Từ ngày bị cách, y về ở nhà. Khi được tin tòa Trung Thư xin cho
những người ấy được phục chức, y liền chạy vạy các nơi. Gặp Vũ Thôn, y vội lại chào và
báo tin. Vũ Thôn mừng lắm, nói chuyện mấy câu rồi hai người từ giã chia tay. Lãnh Tử
Hưng biết chuyện, vội hiến một kế, bảo Vũ Thôn nhờ Lâm Như Hải nói giúp với Giả
Chính ở trong Kinh. Vũ Thôn lĩnh ý, từ biệt về nhà, tìm tờ quan báo xem thì quả có thực.
Hôm sau hắn đem chuyện đó bàn với Lâm Như Hải. Như Hải nói:
May quá! Từ khi nhà tôi mất, nhạc mẫu tôi ở Kinh thường lo cháu gái không ai trông
nom, có lần đã cho người nhà mang thuyền đến đón. Nhưng vì cháu hãy còn mệt chưa đi
được, ơn ông dạy cháu bấy lâu, chưa biết lấy gì cảm tạ. Gặp dịp này lẽ nào tôi lại không
hết lòng báo đáp. Xin ông cứ yên tâm. Tôi định viết thư nhờ ông anh vợ giúp đỡ, gọi là tỏ
chút lòng thành. Trong thư tôi đã nói rõ cả rồi, có phí tổn gì ông cũng đừng nghĩ đến.
Vũ Thôn vái dài tạ ơn luôn mồm, lại hỏi:
Không biết lệnh thân hiện làm chức gì? Chỉ sợ tôi lỗ mãng không dám đến hầu. Như Hải
cười nói:
Ông anh vợ tôi là cháu cụ Vinh công, kể ra cũng là một họ với ông đấy. Ông anh cả tên là
Xá, tên chữ là An Hầu, hiện tập tước nhất đẳng tướng quân. Ông anh thứ hai tên là
Chính, tên chữ là Tồn Chu, hiện làm viên ngoại lang bộ Công, là người khiêm cung phúc
hậu, phong độ giống các cụ tôi trước, chứ không phải hạng phù hoa khinh bạc, nên tôi
mới dám viết thư tiến cử ông. Nếu không, thì không những làm tổn thanh danh của ông,
mà tôi cũng không thèm làm.
Vũ Thôn nghe xong, trong bụng tin ngay lời của Lãnh Tử Hưng, lại tạ ơn Lâm Như Hải.
Như Hải nói: Ngày mồng hai tháng sau, tôi sẽ cho cháu vào Kinh. Mời ông cùng đi, thật
là lưỡng tiện.
Vũ Thôn vâng dạ, trong bụng rất mừng. Như Hải sửa soạn lễ vật tiễn hành.
Đại Ngọc, một cô học trò vừa yếu khỏi, không muốn xa cha, nhưng vì bà ngoại bắt phải
vào. Lâm Như Hải dặn:
Cha năm nay tuổi gần năm mươi, không muốn lấy vợ kế nữa. Vả tuổi con còn bé, ốm yếu
luôn; trên không có mẹ dạy bảo, dưới không có chị em giúp đỡ. Bây giờ con vào nương
nhờ bà ngoại, có các cậu mợ và các chị em, như thế cho cha đỡ phải lo, sao con lại không
muốn đi?
Đại Ngọc nghe xong, gạt nước mắt từ biệt cha xuống thuyền, theo vú nuôi và các người ở
Giả phủ đến đón. Vũ Thôn mang theo hai tiểu đồng ngồi ở một chiếc thuyền khác. Khi
đến Kinh Đô, Vũ Thôn chỉnh tề áo mũ, mang theo tiểu đồng đưa danh thiếp vào trong
phủ, xưng là cháu họ. Giả Chính xem thư của em rể xong, vội vàng mời vào. Giả Chính
vốn quý mến người học thức, kính trọng hiền sĩ, cứu giúp người cùng túng, có phong độ
hào phóng của tổ tiên ngày trước, nay thấy Vũ Thôn mặt mũi khôi ngô, ăn nói phong nhã
nên ông ta càng biệt đãi và hết sức giúp đỡ hắn. Trong khi có bản đề cử, Giả Chính cố