Anh lính cười thưa:
Không dám giấu cụ, không những tôi biết chỗ hung thủ trốn, ngay đến đứa bán người và
người bị đánh chết tôi cũng biết cả. Tôi xin thưa tỉ mỉ để cụ rõ: người bị đánh chết ấy là
con một nhà hương hoạn nhỏ, tên gọi Phùng Uyên, bố mẹ chết sớm, không có anh em,
sống nhờ một cái gia tài nhỏ, tuổi độ mười tám, mười chín, tính thích chơi bời với đàn
ông, không gần gũi con gái. Nhưng đây cũng là oan nghiệp kiếp trước để lại. Một hôm,
anh ta ngẫu nhiên gặp nữ tỳ này, nhất định mua về làm thiếp, thề không chơi bời với đàn
ông và cũng không lấy người thứ hai nào nữa. Vì thế, việc mua này, đối với anh ta, coi là
trịnh trọng lắm, hẹn ba hôm sau, tốt ngày, mới đón về. Ngờ đâu đứa bán người lại ngấm
ngầm đem con nữ tỳ bán cho nhà họ Tiết. Nó muốn cuỗm tiền của cả đôi bên rồi trốn đi.
Ai hay nó chạy không thoát, cả hai đều bắt được, đánh nó gần chết. Nhưng sau đó không
nhà nào muốn lấy lại tiền, chỉ đòi lấy người. Công tử họ Tiết sai đầy tớ đánh công tử họ
Phùng một trận nhừ tử, khiêng về nhà, ba ngày sau thì chết. Tiết công tử đã chọn ngày
vào Kinh. Trước đó hai ngày, ngẫu nhiên gặp con nữ tỳ này, Tiết công tử định mua rồi
đem nó lên Kinh một thể, ngờ đâu chuyện xảy ra, hắn đánh Phùng công tử cướp lấy nữ
tỳ, rồi thản nhiên coi như không có việc gì. Mang ngay gia quyến lên đường, để anh em
đầy tớ ở nhà lo liệu, chứ không phải vì việc nhỏ ấy mà chạy trốn đâu. Việc này hãy tạm
gác lại, xin hỏi cụ có biết nữ tỳ bị mang đi bán ấy là ai không?
Ta biết thế nào được?
Nữ tỳ ấy là Anh Liên, con gái Chân Sĩ Ẩn ở cạnh miếu Hồ Lô trước đây tức là ân nhân
của cụ đấy.
Vũ Thôn giật mình nói: Thế à! Nghe nói khi nó lên năm tuổi, bị người ta dỗ đi, sao bây
giờ lại đem bán nó ở đây?
Tên dỗ người này chuyên đi dỗ con gái bé năm sáu tuổi mang về nơi hẻo lánh nuôi đến
mười một mười hai tuổi, rồi lại đem đi chỗ khác bán. Khi trước, tôi với Anh Liên ngày
nào cũng chơi đùa với nhau. Tuy xa nhau bảy tám năm, bây giờ nó đã lớn và xinh hơn
trước, nhưng dáng người không thay đổi mấy. Vả lại, từ khi mới đẻ nó có một nốt ruồi đỏ
bằng hạt gạo ở lông mày nên vẫn nhận được. Tên dỗ người tình cờ lại thuê buồng của nhà
tôi. Một hôm tên này đi vắng, tôi đến hỏi nó, nó sợ phải đòn, không dám nói. Nó nhận tên
kia là bố đẻ, và nói rằng vì không có tiền trả nợ, mới phải đem nó bán đi. Tôi dỗ bốn năm
lần, nó chỉ khóc: “Tôi không nhớ được việc lúc bé!” Như thế thì không còn gì đáng ngờ
nữa. Hôm Phùng công tử đến trả tiền, gặp lúc tên dỗ người say rượu, Anh Liên than thở
một mình: “Từ giờ trở đi ta sẽ hết nợ!” Sau lại nghe nói ba ngày nữa Phùng công tử mới
đến đón, Anh Liên tỏ vẻ âu sầu. Tôi thấy vậy động lòng thương, chờ tên dỗ người đi
vắng, bảo vợ tôi đến khuyên giải: “Phùng công tử chọn ngày tốt đến đón, như thế tất
không coi chị như bọn a hoàn đâu. Phùng công tử là người phong nhã, nhà cũng đủ tiêu.
Xưa nay không ham nữ sắc bây giờ mua chị với một giá rất đắt, như thế chả nói chị cũng
sẽ rõ. Chị hãy cố chờ hai ba ngày nữa, việc gì phải lo buồn?” Anh Liên nghe nói cũng
nguôi lòng, cho rằng từ nay có chỗ yên thân. Ai ngờ trong thiên hạ thường xảy ra những
việc không như ý, ngày hôm sau tên dỗ người lại đem nó bán cho nhà họ Tiết. Nếu bán
cho nhà nào thì cũng không lôi thôi lắm, chứ công tử họ Tiết này nổi tiếng là “vua ngốc”,
liều lĩnh, nóng nảy nhất hạng, quẳng tiền như đất. Hôm ấy nó đánh Phùng Uyên một trận