Thế sự tinh thông đều là học vấn,
Nhân tình lịch duyệt mới gọi văn chương.
Đọc xong xuôi câu đối, Bảo Ngọc nhìn nhà cửa rất đẹp, đồ bài trí rất trang hoàng, nhưng
nhất định không chịu ở, liền nói:
Mau ra ngay, mau ra ngay!
Tần thị cười nói: Chỗ này không vừa ý thì chú đi đâu bây giờ. Nếu không, chú đến nghỉ ở
buồng tôi vậy.
Bảo Ngọc gật đầu mỉm cười, một bà già nói:
Có lẽ nào chú lại đến ngủ ở buồng cháu dâu? Tần thị cười nói:
Ôi dào! Không sợ chú ấy phật ý. Chú ấy đã lớn đâu mà phải e dè? Chị không thấy tháng
trước em tôi đến đây chơi à? Tuy nó bằng tuổi chú Bảo, nhưng để hai người đứng với
nhau có lẽ nó còn cao hơn kia.
Bảo Ngọc hỏi: Tại làm sao tôi chưa được gặp? Đi gọi lại đây tôi xem. Mọi người cười
nói:
Ở xa hai ba mươi dặm, gọi ngay thế nào được. Sau này cũng có ngày gặp nhau.
Đến buồng Tần thị, Bảo Ngọc vừa mới bước chân vào, đã thoảng có mùi thơm say sưa.
Khi ấy mắt Bảo Ngọc dính lại, người nhủn ra, nói ngay:
Mùi thơm thích nhỉ.
Trong buồng, trên tường treo bức họa “Hải đường xuân thụy”
của Đường Bá Hổ vẽ, hai
bên có đôi câu đối của học sĩ Tần Thái Hư đời Tống:
Lờ mờ giấc mộng hơi xuân lạnh,
Ngào ngạt mùi hương rượu khá nồng.
Trên án bày một cái gương quý của Võ Tắc Thiên
đời Đường. Một bên bày cái mâm
vàng mà Triệu Phi Yến
đã đứng lên múa, trên mâm để quả dưa mà An Lộc Sơn
đã ném
vào vú Dương Quý Phi. Đằng trước kê một cái giường báu của công chúa Thọ Xương
nằm ở điện Hàm Chương, mắc cái màn liên châu của Công chúa Đồng Xương
dệt ra.
Bảo Ngọc thấy vậy cười nói: Ở đây tốt! Ở đây tốt!
Tần thị cười: Cái buồng của tôi dù thần tiên cũng có thể ở được.
Nói xong, Tần thị tự tay mở cái khăn lụa mà chính tay Tây Thi đã giặt, và đặt sẵn cái gối
uyên ương của Hồng Nương đã ôm khi xưa. Thấy Bảo Ngọc ngủ yên, bọn bà già rủ nhau
đi ra ngoài, chỉ để Tập Nhân, Thu Văn, Tình Văn, Xạ Nguyệt, bốn người ở lại túc trực.
Tần thị gọi mấy a hoàn nhỏ ra ngồi ngoài thềm, đừng cho mèo chó đến cắn nhau.
Bảo Ngọc vừa nhắm mắt đã bàng hoàng ngủ say. Tưởng như Tần thị còn đứng trước mặt
mình. Bảo Ngọc lững thững theo Tần thị đi đến một chỗ lan can sơn đỏ, thềm xây bằng
ngọc, cây xanh ngắt, suối trong veo, không có một tí dấu vết bụi trần. Bảo Ngọc ở trong
giấc mộng rất vui sướng, nghĩ bụng: “Chỗ này thú lắm, ước gì ta được ở đây suốt đời, dù
mất cả nhà cũng vui lòng hơn là bị cha mẹ và thầy học kèm thúc!” Đương lúc nghĩ vơ
vẩn, nghe thấy sau núi có người hát:
Xuân Mộng Ca
Phiên âm
Xuân mộng tuỳ vân tán,
Phi hoa trục thuỷ lưu;