Hồi 5
Chơi cõi ảo, mười hai thoa chỉ đường mê;
Uống rượu tiên, mộng lầu hồng diễn thành khúc.
Ngày xuân uể oải lịm trong chăn,
Như dắt nàng tiên lánh cõi trần.
Vào hào hoa tư ai đấy nhỉ,
Phong lưu gây lấy nợ vào thân.
Việc mẹ con họ Tiết đến ở phủ Vinh hãy tạm ngưng.
Nay nói Lâm Đại Ngọc từ khi đến phủ Vinh, được Giả mẫu thương yêu muôn phần, ăn ở
đi đứng, nhất nhất đều như Bảo Ngọc, ngay Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân cũng
không bằng.
Bảo Ngọc và Đại Ngọc thì thân nhau hơn hẳn mọi người; ngày cùng chơi chung, tối cùng
ngủ chung, rất là hòa thuận, thân mật như keo sơn, không hề xích mích nhau điều gì. Nay
bất thình lình có Tiết Bảo Thoa đến, tuy không lớn tuổi hơn mấy, nhưng phẩm cách đứng
đắn, phong tư lộng lẫy, ai cũng cho là hơn Đại Ngọc. Bảo Thoa lại cư xử khoát đạt, tùy
phận theo thời; không giống như Đại Ngọc có tính kiêu kỳ tự phụ, chẳng chịu kém ai, cho
nên rất được lòng người dưới. Ngay bọn a hoàn cũng thích gần Bảo Thoa. Vì thế Đại
Ngọc cũng hơi ấm ức khó chịu, nhưng Bảo Thoa thì thản nhiên như không.
Bảo Ngọc còn trẻ con, tính lại vụng về, ngang trái, coi anh chị em ai cũng như ai, không
hề phân biệt thân sơ xa gần. Bấy nay Bảo Ngọc, Đại Ngọc ở trong buồng Giả mẫu, quen
biết hơn và tất nhiên cũng thân mật hơn. Đã thân mật hơn thì dễ xảy ra những chuyện
hiểu lầm nhau không thể tránh được. Có một hôm, không biết vì việc gì, hai người trò
chuyện không hợp nhau, Đại Ngọc bực bội vào buồng khóc một mình. Bảo Ngọc hối hận
đã nói sỗ sàng, liền lại làm thân, Đại Ngọc mới dần dần nguôi giận.
Nhân dịp vườn bên phủ Ninh hoa mai nở rộ, vợ Giả Trân là Vưu thị bày tiệc, rồi sai vợ
chồng Giả Dung sang tận nơi mời Giả mẫu, Hình phu nhân, Vương phu nhân sang
thưởng hoa.
Giả mẫu và mọi người ăn cơm sáng xong, sang vườn Hội Phương ngắm cảnh. Trước còn
uống trà, sau mới uống rượu. Đây chỉ là tiệc rượu riêng trong hai phủ Ninh và phủ Vinh
thôi, không có sự gì lạ đáng chép cả.
Một lúc sau, Bảo Ngọc mệt, muốn về nghỉ trưa. Giả mẫu định sai người đưa về nghỉ một
chốc rồi sẽ đến. Vợ Giả Dung là họ Tần, vội cười nói:
Ở đây đã dọn một gian buồng để chú Bảo nghỉ rồi, xin cụ yên lòng, cứ giao chú ấy cho
cháu là được.
Rồi bảo vú già và a hoàn của Bảo Ngọc: “Các bà các chị mời chú Bảo đi theo tôi”.
Giả mẫu biết Tần thị rất chu tất, vì chị ta là người mềm mỏng, dịu dàng, cư xử lại hòa nhã
khéo léo rất được vừa ý trong đám chắt dâu. Thấy Tần thị dẫn Bảo Ngọc đi nghỉ, Giả
mẫu mới yên tâm.
Khi Tần thị dẫn mọi người đến buồng trong; Bảo Ngọc ngửng đầu trông, thấy trên treo
bức vẽ “Nhiên lê đồ”
. Bức vẽ rất đẹp, nhưng không biết của ai, trong bụng Bảo Ngọc
không thích. Lại có một đôi câu đối: