HUẾ TẢN VĂN - ÁO BAY KHÉP MỞ NHIỀU TÂM SỰ - Trang 27

Ở tỉnh Quảng Bình món canh rau tập tàng dân dã mà ngon hơn cả là ở

hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa. Tôi lên vùng Đồng Lê, Quy Đạt nhiều
lần ăn bát canh rau tập tàng thấy hương và chất của nó rất dễ chịu, ngửi
thấy có mùi cỏ cây, thanh mà ngọt như mật hoa rừng, vị đắng nhàn nhạt
như khổ qua già, lại mát, ăn vào buồn ngủ mà ngủ rất sâu. Hỏi ra, dân ở đây
gọi là món canh của người Nguồn tức Kinh nguồn chính là người Mường
đấy.

Theo Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh [1] thì xứ này có rất nhiều

món canh. Lại có thứ canh rau tập tàng là món dã vị của nhà nông ăn vào
mùa hạ vừa ngon, vừa bổ. Nguyên liệu gồm: rau muống, mồng tơi, lá khoai
lang, đọt vông, đọt dâu, trái mướp non... mỗi thứ một ít kiếm rất dễ, vì ở
đâu cũng có sẵn, với một nhúm tép hay cá khô, hay cua đồng, nếu không có
sẵn thì một ít mắm tôm cũng đủ, ăn ngon mà lại dễ ngủ, còn đọt cây dâu thì
có công dụng làm mát huyết dưỡng âm. Lại có câu: "Canh tập tàng thì
ngon, con tập tàng thì khôn" [2]

Tóm lại, món canh rau dại này là tập tàng (không phải thập toàn). Là

món ăn cổ của người xưa, đồng thời là một bát thuốc "Nam dược thần
diệu" mà nhà đại danh y Tuệ Tĩnh từng căn dặn người Nam, hãy trị bệnh
bằng thuốc Nam bằng cách ăn nhiều rau Nam. Hơn nữa tập tàng còn là bản
sắc văn hóa cội nguồn của người Việt Nam.

[1] Do GS Nguyễn Đổng Chi chủ biên - NXB Nghệ An ấn hành 1995.
[2] Con tập tàng: chỉ con chửa hoang.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.