TỰA
Khổ tâm thay! những nhà sốt sắn về sự giáo-dục ở vào cuộc đời chọi
nhau bằng óc này, chăm chăm lấy bút thay gươm, rỏ mực ra máu, trên đối
với hơn 4000 năm tổ-quốc, dưới đối với hai mươi nhăm triệu đồng-bào, có
khi dùng cách trực-tiếp; cũng có khi dùng cách gián-tiếp.
Cách trực-tiếp nên dùng thế nào? Nên soạn pho sử-yếu, chép toàn bằng
chữ quốc-văn ; để hết thẩy mọi người nhớn, trẻ-con, ai nấy cũng dễ hiểu.
Cách gián-tiếp nên làm thế nào? Nên nhân lối tiểu-thuyết, đại thành ra
bộ quốc-chí, để hết thẩy nhà-quê, kẻ-chợ, đâu đấy cũng thích xem.
Bởi vì chữ là chữ nước mình, sử là sử nước mình, truyện là truyện nước
mình, hồn vía văn-minh phảng phất ở đó. Nếu muốn lên đàn diễn phép
chiêu lấy quốc-hồn, mở xưởng rèn nghề đúc nên dân-trí, chi bằng tập chữ
bản-quốc, học sử bản-quốc, xem truyện bản-quốc; nhưng thấy cách gián-
tiếp có nhẽ so với cách trực-tiếp lại càng khỏe hơn, tiện hơn và mau hơn.
Nước ta lập quốc đã lâu, khai hóa cũng sớm. Nam-đế sơn-hà, thư giời
rọng về, trải bao phen lừng lẫy cõi Á-đông, nước tuy già, nhưng hồn vẫn
tỉnh táo, nhẽ đâu ngủ mê mãi, không ai khua thức dậy. Trách vì cớ giáo-dục
của dân nước ta, trước kia nhầm lẫn, chữ nước mình chả tập, sử nước mình
chả học, truyện nước mình chả xem, đâu là sử Tam-hoàng cho chí Tống,
Nguyên, Minh, Thanh, nhớ như văn-sách, đâu là truyện Tam-quốc cho chí
Thuyết-đường, Thủy-hử, diễn thành tấn tuồng, chỉ chăm những sự đâu đâu,
mà gốc tích nhà mình, loài giống mình, họ đang mình, nào ai là ông khởi-tổ
sáng lập ra nước, nào ai là bực anh-hùng cạnh tranh với Tầu, ai là kẻ có
công-đức với quốc dân, ai là người đăng kỷ-niệm trong xã-hội, hỏi đến thì
mơ hồ không biết, hoặc sao nhãng không nhớ, rõ thật là mồ cha chả khóc,
khóc đống mối, mồ mẹ chả khóc, khóc bối bòng bong.