giao quyền xử đoán, đã phân minh ra cách địa-phương tự-trị rồi. Bởi vậy
dân-quyền ngày càng trọng, dân-đức ngày càng tiến, và quốc-hồn ngày
càng khỏe mạnh. Tiếc cho trước kia quốc-sử không thể vẽ được hết cái tinh-
thần, mà sau này quốc-dân chỉ biết sùng kính những cái hình-thức, nào đâu
là lập tĩnh, lập điện, lên cốt, lên đồng, bắt tà, bắt ma, phát bùa, phát dấu,
thành ra một thói tin mê, so lấy nghĩa kỷ-niệm công-đức, đã là trái cách
văn-minh, luận đến điều tiết-độc thần-minh, lại đáng ghép vào tội lệ. Sao
không nghĩ vua quan nhà Trần đều học phật, mà đắc đạo đấy, đối với
chúng-sinh cầu sự xá-thí, chớ có mong gì hưởng báo đâu; nếu ta biết sùng
kính ông Hưng-Đạo về sự thánh thần, thì cái quốc-hồn ta tỉnh, nếu ta chỉ
sùng kính ông Hưng-Đạo về sự ma quỉ, thì cái quốc-hồn ta mê. Mê mê, tỉnh
tỉnh, bởi tự lòng ta, hễ có học vấn, thì sẽ có tư tưởng, có tư tưởng thì sẽ có
ngôn luận, có ngôn luận thì sẽ có sự thực.
Nay gặp hội nhà-nước, rộng lòng khai hóa, bắt đầu sự học cần bực phổ-
thông, muốn dùng cách trực-tiếp chăng, chả gì bằng soạn sử quốc-ngữ ;
muốn dùng cách gián-tiếp chăng, chả gì bằng soạn truyện quốc-ngữ ; lột hết
cái tinh-thần quốc-sử ra chữ quốc-văn, thật ích cho đồng-bào ta lắm ; tiện
cho học-giới ta lắm. Tôi vẫn ước ao dịp này, sau cũng có nhà chước thuật,
vì nước tổ Việt ta mở rạp diễn-văn, may sao gặp sở Đông-kinh-ấn-quán đưa
bộ sách này, xét thể cách hệt như lối Tam-quốc-chí, vừa có sự thực, vừa có
nghị-luận, chắc những người có huyết-tính, xem sách này ai cũng phải kính,
cũng phải mến, cũng phải hát, cũng phải khóc, cũng phải đặt quyển mà thở
dài. Vậy đốt hương mà viết bài này, trước là ghi cái cảm tình của quốc dân,
sau nữa giải cái khổ-tâm của người tác-giả. Thử hỏi nay những nhà sốt-sắn
về sự giáo dục nghĩ làm sao đây?
Đàn-viên Phạm-Văn-Thụ kính soạn.
***