– Ờm, đệ mới thấy con mọt sách kia bị Hắc Hổ lừa đi rồi.
Hắc Hổ là đứa quậy phá có tiếng ở Thục Trung, tướng mạo hơi gầy
nhỏ, không uy vũ cường tráng như nhũ danh, tính tình xấu xa bẩm sinh.
Có lần cậu ta kiếm chuyện với Lý nhị lang, bị Lý Cẩn Dung bắt tẩn
cho một trận, trói treo lên vách núi hai ngày, sợ tè ra quần, từ đó đàng
hoàng lại được nửa năm. Tiếc là ngày vui ngắn chẳng tày gang, Hắc Hổ dịu
một thời gian, nhận Lý Cẩn Dung làm lão đại, sau đó thấy lão đại dường
như không thèm quản mình, thế là lại trở mình vùng dậy, tiếp tục gây sóng
gió.
Nào là xúi bẩy tụ tập đánh nhau, nào là gom đám tay sai bắt nạt những
đứa không hợp, nào là cướp đồ ăn của trẻ nhỏ… nhiều lắm, tóm lại là lừa
gạt hãm hại, không từ thủ đoạn.
Có điều, chuyện đánh người khác tuy thoải mái hả giận nhất thời,
nhưng sau đó bị người lớn biết, đánh người thì chắc chắn sẽ bị ăn đòn,
không có lợi, bởi vậy thủ đoạn quen dùng của Hắc Hổ trở thành lừa gạt
những kẻ lạc đàn tới núi hoang vắng vẻ – chỗ đó ít người lui tới, địa hình
không biết có gì lạ mà rất dễ lạc đường, người lớn thông thường sẽ không
đi qua đó.
Cha Hắc Hổ có nuôi một con chó săn lớn, tướng tá dữ tợn nhưng tính
tình vô cùng hiền dịu, lại rất nghe lời, bọn Hắc Hổ lần nào cũng cải trang
sẵn cho con chó săn lớn đó, gắn hai cái sừng giả lên đầu, cổ đeo một vòng
lông gà, trên mình lại khoác cho nó bộ “y phục” được sửa từ giáp cũ, cải
trang thành hình tượng quái thú.
Chờ khi dẫn người tới chỗ sâu trong núi hoang, Hắc Hổ sẽ bảo một
thằng nhóc mai phục sẵn lén lút thả chó ra, để nó lao nhanh, chuyên đuổi
theo người mà chúng muốn trừng trị. Đến lúc đó núi hoang đường hẹp, nửa
đêm không người, kêu trời trời chẳng biết, kêu đất đất chẳng hay, một đứa