Ở đây cần phải có vài lời giải thích về bản thể học.
Cho đến lúc mười bốn tuổi, tôi chia nhân loại ra làm ba kiểu: phụ nữ, trẻ
em gái và những kẻ nực cười.
Tất cả những khác biệt khác đối với tôi chỉ là giai thoại: giàu hay nghèo,
người Trung Quốc hay người Braxin (không tính tới người Đức), chủ hay
tớ, đẹp hay xấu, người trưởng thành hay người già, những cách phân biệt
này đúng là cũng quan trọng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất của mỗi
người.
Phụ nữ là những người không thể thiếu. Họ nấu ăn, mặc quần áo cho bọn
trẻ, dạy chúng buộc dây giày, họ dọn dẹp, họ tạo ra những đứa trẻ từ bụng
của mình, họ mặc những bộ quần áo thú vị.
Những kẻ nực cười là những kẻ vô dụng. Buổi sáng, những kẻ nực cười
đã trưởng thành đến “cơ quan”, đó là trường học dành cho người lớn, tức là
một nơi vô dụng. Buổi tối, họ đi gặp bạn bè - đấy là hoạt động chả vẻ vang
gì mà tôi đã nhắc đến ở đoạn trước.
Thực ra, những kẻ nực cười trưởng thành vẫn giống y như lũ nực cười
trẻ con, chỉ có điểm khác biệt lớn là họ đã mất đi kho báu của tuổi thơ.
Nhưng chức trách của họ không hề thay đổi và cả thể xác của họ cũng vậy.
Ngược lại, giữa phụ nữ và trẻ em gái là cả một sự khác biệt lớn. Trước
hết, họ không cùng giới tính - chỉ cần nhìn qua là đủ để hiểu. Ngoài ra, vai
trò của họ thay đổi rất nhiều theo lứa tuổi: từ những đứa bé gái vô dụng, họ
biến thành những người phụ nữ với vai trò chủ chốt, trong khi những kẻ
nực cười thì suốt đời vô dụng.
Trong đám nực cười trưởng thành, những người duy nhất có ích chính là
những người bắt chước phụ nữ: đầu bếp, người bán hàng, giáo viên, bác sĩ