nghĩ rồi mới đáp:
- Tâu Vua cha, việc này hệ trọng lắm. Nghĩa mẫu của dân nữ không có ở
đây. Nhưng cũng may là có bà của dân nữ. Vậy ý của bà dân nữ thế nào thì
ý của dân nữ cũng thế.
Nghe cháu nói, bà Thục Trâm như trút đi được một gánh nặng. Bà thầm
khen Sơn Nữ sáng trí. Vua cha cũng nhận thấy Sơn Nữ giữ đạo trên dưới
phân minh. Ngài quay sang bà Thục Trâm:
- Cháu yêu của khanh đã nói vậy, hẳn khanh mừng lòng chứ?
- Tâu Thượng Hoàng, Sơn Nữ là kẻ nghèo hèn được Hoàng thượng ngó tới,
lại được Thượng Hoàng cho phép thật phúc lớn cho cháu gái dân phụ.
Sơn Nữ choáng váng trước câu nói của bà. Bởi nàng biết bà rất vui khi
nàng khước từ việc coi hậu viên mà Vua cha ban cho. Đối với cung cấm,
bà của nàng coi đó là ngục tối. Ai vô phúc mới phải vào cung. Con gái vào
cung có khác nào vào nhà mồ. Bao nhiêu mĩ nữ ghen ghét nhau vì một
người đàn ông cũng đủ chết. Vậy tại sao bà lại nói là phúc. Bà thay đổi rồi
chăng? Có phải cuộc sống kinh thành đã làm cho bà thay đổi. Nếu đúng
như vậy thì hương phấn phù hoa đúng là cải bả rồi, "bần tiện bất năng di"
bà đã dậy mình còn có nghĩa gì? Còn mình, mình chẳng lẽ lại cam tâm chui
vào nhà mồ?
Bao nhiêu câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu Sơn Nữ. Nàng chưa tìm được câu
trả lời. Tiếng Vua cha lại vui vẻ cất lên:
- Ta biết việc đại phúc này rất đẹp lòng khanh. Ngày mai, Hoàng thượng sẽ
truyền Bộ Lễ lo liệu. Rồi Hoàng thượng sẽ định ngày….
- Đội ơn Vua cha, đúng là Hoàng thượng ban cho Sơn Nữ đại ân. Nhưng
phúc của cháu gái dân phụ mỏng lắm.
Vua cha không tin vào tai Ngài nữa. Ngài hỏi ngay:
- Khanh vừa nói gì?
- Tâu Vua cha, phúc của Sơn Nữ mỏng lắm. Cháu nó đã có hôn phu.
- Người đó là ai?
- Tâu Vua cha, đó là cháu trai ông tiều ở gần nhà dân phụ.
Sắc diện Vua cha từ vui chuyển dần sang buồn. Ngài nói:
- Một lời đã ước là vàng đá rồi. Nào ngờ Hoàng thượng không có duyên