Nhà Vua sững người. Ngài nhìn thẳng vào Sơn Nữ nói:
- Người ta chọn không nằm trong số đó.
Sơn Nữ cười. Nhà Vua bèn hỏi:
- Sao nàng lại cười?
- Tâu Hoàng thượng, Ngài không bắt tội, dân nữ mới dám nói. Vì điều này
là điều vui mừng của dân nữ.
Nhà Vua hồi hộp, hy vọng:
- Điều gì vui nàng cứ nói ra. Ta không trị tội.
- Tâu Hoàng thượng, Ngài cứ nói xa nói gần y như người thân của dân nữ.
Nhà Vua thầm nghĩ: "Sơn Nữ, sao nàng lại như vậy? Đã nhận lời ta sao lại
còn bỡn cợt…" Cố nén niềm vui, nhà Vua hỏi:
- Ta "y như người thân" của nàng à? Vậy ta giống người thân của nàng ở
điểm nào?
- Tâu Hoàng thượng, đầu đuôi câu chuyện là thế này: Cháu ông tiều phu ở
Bắc Lâm có ý với dân nữ. Muốn ngỏ lời với dân nữ nhưng người ấy cứ rào
đón xa gần. Dân nữ bèn trêu: "Chàng vừa ý ai trong tổng này cứ nói ra, em
giúp." Người ấy đáp: "Người anh vừa ý trong tổng này không có ai, trừ một
người…" Để ngầm báo cho người ấy, dân nữ nói: "Người mà chàng định
cưới làm vợ cũng thương chàng. Về nói với bố mẹ mang giầu cau sang đi
kẻo nữa lại chậm chân…" Người ấy hiểu ra chạy như bay về nhà thưa với
bố mẹ. Mấy ngày sau, bố mẹ người ấy mang lễ sang… Vài ngày sau gặp
nhau, hôn phu của dân nữ nói: "Cảm ơn em. Trước em, anh sợ bị khước
hôn nên không dám nói thẳng." Mấy lời quê mùa có gì mạo phạm, xin
Hoàng thượng xá cho.
Nhà Vua sững sờ. Đứng lặng hồi lâu, Ngài mới nói:
- Cứ tạm coi hôm nay, ta chưa nói gì với nàng.
- Đội ơn Hoàng thượng, dân nữ hiểu rồi ạ.
Xa xa, Thái giám đứng trông lại. Thấy Hoàng thượng chuyện trò với Sơn
Nữ lâu lâu, y đồ rằng Sơn Nữ ưng thuận hầu nhà Vua mãi mãi. Nhưng khi
thấy Ngài nặng nề lê gót, long nhan ủ rũ, y nhận ra phải đâu cứ là Vua thì
muốn điều gì cũng được. Thái giám chỉ còn biết lặng lẽ theo gót nhà Vua
về cung.