dân yên vui, no ấm. Nhưng những vị quan chủ sự việc đó làm sai lạc đi
khiến hàng vạn nhà oan ức, hàng nghìn người rơi đầu. Lỗi đó cuối cùng
thuộc về ta. Ta không đau xót sao được! Lại có những vị quan làm gì cũng
nói là làm theo ý ta, nhưng thật ra các vị đó lấy ta ra làm cái bình phong,
mượn oai phượng hoàng để loè chim sẻ. Nếu làm theo ý ta, các vị quan đó
không vơ vét của dân, không đục khoét quốc khố, không phè phỡn trên
lưng dân, không kết bè kết cánh làm hại nhau. Từ cổ chí kim xem ra, những
ai đó chưa có chút danh, chút quyền thì còn giữ được lòng, còn trọng tín
nghĩa. Nhưng khi đã có chút danh chút quyền, mười người thì bảy tám
người tìm mọi cách để được vinh thân phì gia, bất chấp nhân luân. Ngươi
kế vị ta phải biết điều đó để xem xét ai thanh, ai tham. Nước phải có Vua
có quan. Vua và quan phải lo cho dân no, dân vui. Nếu không như vậy, Vua
cũng như quan có là cái gì. Vua cũng có khối cái sai, đã sai thì phải nhận.
Ông Vua dám nhận cái sai là ông Vua tốt". Thái tử cảm kích lắng nghe từng
lời của Vua cha. Chàng biết đức Vua bộc bạch tâm can cũng là để răn dạy
con cách trị quốc. Đức Vua phóng tầm mắt thấu suốt sông núi vạn dặm rồi
nói tiếp: "Còn với Tể tướng, ông ấy là hộ quốc công thần công không phải
là nhỏ. Nhưng ta e rằng, sau này ông ấy sẽ lộng hành. Vì ngươi chưa đủ sức
át vía ông ấy. Nếu điều ấy xảy ra, người phải xử cho khéo để giữ vững phép
nước mà vẫn không mang tiếng là một ông Vua tàn bạo. Làm Vua phải lấy
phép nước làm đầu, lấy dân làm gốc, lấy đức làm trọng. Nhân từ mà vẫn
giữ được phép nước, vẫn làm cho dân yên vui đó mới chính là một minh
quân, có hay gì lưỡi gươm luôn dính máu…"
Thái tử nghe sự lòng của Vua cha mà thấy lo lo … Điều mà Thái tử lo
không bao lâu sau đã xảy ra. Khi Vua cha băng, Tể tướng lo hậu sự cho đức
Thái tổ rất long trọng, chu đáo. Trong mắt dân chúng, ngày ấy Tể tướng
như cây cột đá chống đỡ triều đình. Nhưng chẳng bao lâu sau ngày Thái tử
lên nối nghiệp Tiên Vương, Tể tướng đã ngấm ngầm lấn át Vua. Những tấu
chương nào có lợi cho Tể tướng, ông ta dâng lên nhà Vua. Những tấu
chương nào bất lợi cho Tể tướng, ông ta ỉm đi. Ai hẩu với Tể tướng chắc
chắn sẽ được Tể tướng cất nhắc. Ai trái ý Tể tướng không sớm thì muộn
cũng bị cách chức. Ông ta tự ý sắp xếp lại các lộ, các trấn. Lợi hay hại, ông