đi tiếp vô Bạc Liêu nghe. Lần này ngoài vũ khí, chở thêm sáu người khách.
Toàn khách bự, nhớ chu đáo”. Thời bấy giờ đâu rõ một trong sáu người ấy
là ông Lê Đức Anh. Chỉ biết có một người cao cao, ông Phước luôn kêu
bằng thủ trưởng và thân chinh tiễn xuống tầu... Đêm mồng năm tháng ba
chúng tôi nhổ neo. Đến Bạc Liêu, bàn giao “hàng”, bàn giao “khách” xong,
chúng tôi lại quay ra... Mãi sau mới biết người cao cao là ông Sáu Nam Lê
Đức Anh. Cùng đi với ông có năm cán bộ của bộ Tổng tham mưu... Năm
một ngàn chín trăm bẩy mươi ba (1973), ổng lại ra Bắc, cũng bằng con
đường biển, chú biết chuyện đó chớ?
Chuyện ông Lê Đức Anh trở ra miền Bắc trên tàu “hai đáy”, tôi có biết. Đó
là câu chuyện lý thú, liên quan đến nhiều người, nhiều sự kiện, xin được
khất độc giả ở những trang ghi chép kế sau. Tôi bắt chuyện gia đình. Ông
Bảy nói:
- Nhà này đàn ông vô bộ đội hết. Bốn thằng con trai, đều ở đoàn 962... Gia
đình tôi gắn bó với đoàn, bởi vậy... Tôi làm nhiệm vụ chở vũ khí vô, các
con tôi có nhiệm vụ cất giấu, chuyển lên khu 6, khu 7... Đoàn 962 là anh em
sinh đôi của đoàn 125 mà...
- Mấy người đi cùng thuyền dạo đó, sau này sao, chú?
- Ờ phải, không nhắc tới họ, khuyết điểm lớn nghe... Khi ra Bắc, tôi được
cử làm đội trưởng, anh Nguyễn Thanh Lồng, tức Hai Tranh làm chính trị
viên. Hồi đó anh Hai Tranh có uy tín lắm. Lần Bác Hồ gặp anh em miền
Nam đi thuyền vượt biển ra Bắc, anh được thay mặt mọi người phát biểu...
Nói ngon lành. Anh thưa rằng: “Thưa Bác, chúng cháu ra đây có một
nguyện vọng là xin được thật nhiều vũ khí, loại vũ khí có thể phá được đồn
bốt và ấp chiến lược của Mỹ ngụy”. Hai Tranh cũng là một trong sáu người
đi chuyến trinh sát mở đường vào Bạc Liêu hồi tháng 4 năm 1962 với ông
Bông Văn Dĩa... Rồi anh được phân công ở lại, phụ trách bến Trà Vinh.
Năm 1971, một lần đi công tác, anh bị tụi lính nguỵ phục kích, bắn chết,
thiệt tội...Hai con trai của anh đầu quân vô đoàn 962, cũng hy sinh... Chị
Hai Tranh bây giờ sống với cô con gái út... Là “mẹ Việt Nam anh hùng”
nhưng cuộc sống chật vật lắm... Mấy lần muốn đến thăm chỉ, nhưng chân
cẳng yếu, mắt lại mờ, nên đành...Anh Tám Kết, tức Nguyễn Văn Khương,
theo anh Bông Văn Dĩa và Lê Văn Một đi chuyến tầu đầu tiên chở 30 tấn