- Chuyến vượt biển ấy, nghe nói các chú bị lạc sang Ma Cao, Trung Quốc?
- Đúng! Đã tưởng là không còn cái ngày hôm nay chớ... Chừng cuối tháng 7
năm 1961, chiếc thuyền cánh dơi dùng để vượt biển ra Bắc vẫn chưa lắp
được máy. Tôi thưa với đồng chí bí thư tỉnh uỷ: “Báo cáo anh Mười, không
có máy thì đi buồm. Hồi chín năm, tụi tôi cũng đi bằng buồm. Lừng khừng,
tháng tám bão về là trở tay không kịp”. Anh Mười nhất trí: “Tôi tin vào anh
và mọi người”. Ngày mồng 3 tháng 8, thuyền xuất phát tại Khâu Hút... Đã
cố đi sớm, tránh mùa bão, vậy mà ra tới Nha Trang, gió lớn ập về. Lúc này
dừng lại không ổn, bởi khi đi, chúng tôi đã chọn “phương án bất hợp pháp”.
Đành cho thuyền xuyên qua bão, hướng phía bắc, đi miết. Bão tan, chúng
tôi bị dạt lên một nơi, mà sau này mới rõ là Ma Cao. Cảnh sát Anh, cảnh sát
bản địa xì xồ tiếng Tây, tiếng Tầu. Mình không rõ mô tê chi, chỉ vung tay
làm hiệu. Và hình như họ cũng hiểu được rằng chúng tôi là thuyền đánh cá
từ mãi khu vực phía Nam Việt Nam bị bão nên lạc vô đây. Lục soát, không
có gì nghi vấn, ngôn ngữ thì bất đồng, cuối cùng họ thả. Chạy được nửa
ngày, lại lạc vô Du Hải, Quảng Châu. Là sau này mới hay, lúc đó chỉ biết đã
bị bắt... Chúng tôi đòi gặp đại sứ quán Việt Nam dân chủ cộng hòa. Yêu cầu
được đáp ứng. Ngày 16 tháng 8, đại diện của ta tại Quảng Châu đến đón.
Mấy hôm sau nữa, sáu anh em đi tầu hoả về Hà Nội...Cũng đã hơn bốn chục
năm rồi...
Hơn bốn mươi năm, nhưng ông Bẩy, hồi đó đã cụng tuổi tám mươi, vẫn nhớ
không sai chi tiết nào. Ông kể rằng sau khi về đoàn “tầu không số”, ông
được cử đi chuyến thứ hai vào Bạc Liêu, trên chiếc tầu gỗ, mang tên
"Phương Đông 2”. Rồi ông đi tầu sắt vào Bến Tre. Vào Trà Vinh. Và đến
nhiều nơi khác.
- Chú tìm hiểu nhiều, biết chuyến đi của tầu 187 vào Trà Vinh tháng sáu
năm một ngàn chín trăm sáu sáu
(6-1966) chớ?- Ông hỏi tôi.
Về chuyến đi đó của tàu 187, tôi có biết, cũng oanh liệt lắm, tàu vào Trà
Vinh, gặp địch, nhưng không hủy được tàu. May là anh em thủy thủ lên
được bờ. Chuyến đi ấy xin hầu đọc giả ở những trang viết phần sau, qua lời
kể của các thủy thủ từng đi trên con tàu đó cùng ông Hồ Đức Thằng.