- Bẩy đứa con, nhưng về già, lại chỉ tôi và bà ấy bầu bạn với nhau...- Ông
Hồ Đức Thắng mời chúng tôi ngồi xuống bộ ghế gỗ, và nói- Con cái, có
công có việc của chúng, thỉnh thoảng bọn nó thay nhau về thăm, hoặc cho
các cháu về chơi... Làm sao được. Thôi thì ông chăm bà, bà chăm ông
vậy...- Thấy tôi cứ ngó nghiêng ngôi nhà, ông nói tiếp: Bộ tư lệnh Hải quân
định xây nhà trên phố; Quân khu 9 cũng phân đất nơi thị xã, nhưng tôi từ
chối, trả lại hết. Già rồi, nhiều nhà, nhiều đất làm gì; hồi ở rừng, hai tấm lá
trải xuống, cũng xong. Còn bao nhiêu người khó khăn hơn mình...Vợ chồng
già được ở như vầy, đã lắm rồi...Với nữa tôi và bà ấy cũng khó có thể bỏ
nơi đây mà đi...Cả một đời hoạt động gắn bó. Nghĩa tình sâu nặng lắm...
Ông tên thật là Thọ. Hồ Văn Thọ. Trong kháng chiến chống Pháp, để dễ
hoạt động đổi tên thành In, khi vượt biển ra Bắc, tổ chức đặt tên là Bảy
Thắng...
- Việc đặt tên cũng rắc rối chớ - Nhắc tới kỷ niệm cũ, ông hồ hởi hẳn, và kể
rất vui - Chuyện là vầy, khi anh Mười Dài, bí thư tỉnh, cử sáu anh em tôi
vượt biển ra Bắc xin vũ khí, nói rằng, để có ý nghĩa và cũng nhằm giữ bí
mật, nên đổi tên các thành viên thành khẩu hiệu: Đoàn - Kết - Đấu - Tranh -
Thắng - Lợi. Nhưng ai mang tên Đoàn, ai mang tên Kết..., tranh cãi mãi.
Cuối cùng bốc thăm. Viết sáu bí danh vào sáu mẩu giấy, ai bốc được chữ
nào, mang tên đó. Anh Nguyễn Văn Mao bốc được chữ Đoàn. Lại thứ ba
nên gọi là Ba Đoàn. Anh Nguyễn Văn Khương đổi thành Tám Kết; anh
Nguyễn Văn Chăm là Hai Đấu. Anh Nguyễn Thanh Lồng thành Hai Tranh.
Tôi bốc được chữ Thắng. Thằng con thứ ba của tôi cũng tên Thắng, má nó
đặt khi mới lọt lòng, vậy là thành Bẩy Thắng cha, Ba Thắng con... Anh Ngô
Văn Tôi thành Bẩy Lợi. Tên sáu anh em hợp thành: Đoàn - Kết - Đấu -
Tranh - Thắng - Lợi. Những cái tên đó, qua năm tháng đã trở thành tên
chính thức của mỗi người. Khi được Quốc hội tuyên dương anh hùng năm
1967, tôi cũng mang tên Hồ Đức Thắng luôn.
- Nhưng tại sao Tỉnh uỷ lại cử chú ra Bắc, mà không là người khác- Tôi hỏi.
- Câu hỏi có lý đó! Tại sao ông Mười Dài lại chọn Bảy In vượt biển chuyến
này? Bởi trong mấy năm kháng chiến chống Pháp, Bảy In đã làm công việc
chở vũ khí từ khu Năm vào Nam Bộ. Sau năm 1954, dẫu ở lại hoạt động
quanh Duyên Hải, lúc làm bí thư chi bộ, lúc làm xã đội trưởng, nhưng gốc
gác mình, tổ chức nắm vững lắm...