đưa tàu vào Bến Tre, bà con quê hương thương anh, mới bảo: chị ấy sang
ngang rồi, anh lo việc của mình đi. Anh buồn, nhưng là người sống nhân
hậu, nên sau giải phóng, anh vẫn có trách nhiệm với mấy đứa con riêng của
vợ, nuôi ăn học và tìm cho công ăn việc làm…
Bữa cơm trưa chị Quỳnh chuẩn bị, quá ngon! Anh Mười và anh Thơm ngồi
rung đùi, nhâm nhi ly bia, say sưa nhắc lại những chuyến đi, những kỷ
niệm. Kỷ niệm là chỗ để các anh vịn vào mà tồn tại trong sự xô bồ, nhộn
nhạo của cơ chế thị trường hiện nay… Chúng tôi vui lây niềm vui của hai
người. Anh Mười nói rằng, chuyến theo tàu 143 của ông Thêm vào Vũng
Rô rồi phải hủy, tiếng nổ hồi đó vẫn để lại di chứng, anh bị lãng tai. Lại
cười. Lại ôn chuyện mắc cạn ở Hoàng Sa năm 1964 và năm 1967, hai lần
hủy tàu.
- Không chỉ vì sóng gió quá to tàu ủi vào đá ngầm, mắc cạn, mà thời đó
kinh nghiệp chưa mấy nhiều, lại chủ quan. Sau này Thuyền trưởng Vũ Tấn
Ích bị kỷ luật, thương ông quá. Cũng tội, một người hiền lành, rất trách
nhiệm nhưng không may mắn. Ông Ích thương tôi lắm. Thời ấy thật nhiều
người tốt. Ông già Lộc, ông già Nhợ, tuyệt vời. Trần Hoàng Chiếu, tuyệt
vời; Thạnh, thuyền trưởng tàu 41, tuyệt vời; ông Lê Văn Thêm, ông Đặng
Quốc Thân cũng hết sức tuyệt vời…
- Tôi không tuyệt vời sao, anh Mười? - Nguyễn Xuân Thơm hỏi vui.
- Nguyễn Xuân Thơm hả? Nguyễn Xuân Thơm cũng tuyệt vời. Hai lần hủy
tàu, lội bộ vượt Trường Sơn ra Bắc sao lại không tuyệt chớ.
Anh Mười cười khà khà. Chúng tôi và chị Quỳnh cười theo. Bên ngoài trời
vẫn ong ong. Gió lặng. Và nắng vẫn hối hả đổ nóng xuống mặt đất.
Đoàn - Kết - Đấu - Tranh - Thắng - Lợi
"...Nhận được chỉ thị của Trung ương, đồng chí Trần Văn Long (Mười Dài)
bí thư tỉnh uỷ Trà Vinh xuống huyện Duyên Hải và thành lập một đội đặc
biệt gồm 15 anh em do đồng chí Nguyễn Thanh Lồng (Hai Pháp) làm đội
trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Chấp (Hai Lửa) làm đội phó để chuẩn bị
tầu thuyền vượt biển ra Bắc. Địa điểm đóng quân của đội ở Khâu Hút (xã
Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải). Đội đã nhờ chị Kiên mua được một
thuyền cánh dơi của đồng bào miền Bắc di cư, rồi sửa sang lại. Đồng chí