lại đi,... Những chuyến đi sau này, địch phong tỏa gắt, nên khó khăn hơn...
Bây giờ cũng chẳng nhớ đã bao lần đưa tầu chở súng đạn vô các bến dọc bờ
biển miền Nam nữa... Lâu quá rồi, hí?
Tôi ngước nhìn ông, Tám Thạnh ngày xưa và Đặng Văn Thanh đại tá, anh
hùng quân đội hôm nay đâu mấy khác lạ! Dẫu đã làm nên những kỳ tích
trên con đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường ngày nào, thì ông vẫn
vậy. Vẫn bình dị như bao người khác ở các làng chài khắp khúc biển miền
Trung tôi đã từng gặp.
Và câu chuyện đêm nay ông rỉ rả kể cho tôi nghe, cũng dung dị, tự nhiên
như khi kể chuyện kiếm cá, câu mực. Vậy thôi! Nhưng với tôi những gì
nghe được là một ám ảnh. Chiến tranh đã qua hơn phần ba thế kỷ, nên câu
chuyện của một thời, nhắc lại, ngỡ như không có thực...
Tôi đưa miếng khô mực lên miệng. Muối Cà Ná dính đậm trên môi. Chưa
đâu biển mặn như ở vùng này. Hình như trong gió cũng li ti những hạt kết
tinh từ biển...
... Vậy mà, khi tôi chưa kịp viết về ông, từ Sài Gòn, anh Đinh Xuân Thế, lữ
phó chính trị Lữ đoàn 125 điện ra báo cho hay: “Chú Tám đi rồi!”. Tôi lặng
người. Anh hùng Đặng Văn Thanh, người một đời gắn bó với biển, đã
không còn!... Cách đây chưa lâu, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đoàn
“tàu không số”, tôi và đoàn làm phim của Đài truyền hình Việt Nam qua Cà
Ná, có ghé thăm, lúc đó tuy ngồi trên xe lăn, ông vẫn khoẻ. Thấy tôi, ông
mừng lắm, câu đầu tiên là: “Khoẻ hí? Để biểu mấy đứa kiếm cái gì nhậu lai
rai chơi.” Tôi đẩy chiếc xe lên thềm nhà: “Dịp này trông chú không được
như trước...”. “Thì cũng gần tám mươi rồi - Ông vui vẻ - Nhưng vẫn ăn
được, ngủ được... Đang gắng để kỷ niệm 45 năm có thể về đoàn dự lễ và
gặp anh em...”.
Đâu ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông... Lại thêm một người của
đoàn “tầu không số” về với biển! Biển mênh mông, vĩnh cửu. Con người thì
nhỏ nhoi, giới hạn. Biết là chẳng ai sinh ra để rồi không mất đi, vẫn thấy
nao nao, le se buồn...
Những dòng nông sơ không đủ đầy viết về ông, xin được coi như nén nhang
từ xa, bái vọng, viếng người đã khuất.