- Chuyến đi Lộ Giao, anh Phạm Vạn làm trưởng, nhưng anh mới từ tập
đoàn đánh cá quốc doanh, dân sự chuyển qua, nên cấp trên cần một người
giúp việc là Hải quân gốc, giỏi thiên văn - Anh Trần Phấn kể - Hồi ấy tôi
đang công tác tại sông Gianh thì có điện triệu ra Hải Phòng, làm phó tàu
401, phụ trách hàng hải và phụ trách chiến đấu... Chiến đấu trên biển và đưa
tàu đi trên biển là sở trường rồi. Hai cái đó mình làm ngon, ha - Anh cười
rất to, và kể tiếp - Suốt trên đường đi, hầu như lúc nào cũng có tầu địch và
máy bay “hộ tống”. Không bình tĩnh, xử lý thiếu khôn ngoan là lộ ngay. Khi
ta chuyển hướng vào bờ, hình như địch đánh hơi thấy nên bu đến. Chi bộ
họp quyết định vừa tránh địch, vừa tìm đường vào. Hồi ấy tôi chưa đảng
viên, nghe phổ biến vậy, phấn khởi lắm. Đi thêm khúc nữa tôi phát hiện ra
hòn Nhạn, hòn Đụn, trời ơi, đây là vùng biển quê tôi, sao không rành chớ.
Vậy là đúng hướng rồi! Gần bờ, sóng to, tôi bèn nói với máy trưởng
Nguyễn Văn Hiệu tăng độ mở chân vịt nhằm hạn chế sóng... Khi tàu chạm
bãi cát, Nguyễn Văn Hiệu bơi vào bắt liên lạc. Chuyến đi nào anh Hiệu
cũng là người nhiệt tình, năng nổ, xông xáo và trách nhiệm. Sau này, hay tin
anh một mình ở lại hủy tàu, hy sinh tại vùng biển tây nam cùng tàu 645,
chúng tôi thương tiếc vô chừng…- Ngừng một lát, anh lại kể, nhưng giọng
trầm xuống, không sôi nổi như lúc mới gặp chúng tôi- Những đồng đội
cùng vào sinh ra tử, cứ lần lượt ra đi, mà toàn người tốt. Anh Phạm Vạn,
đáng quý hết sức, hiền lành, lo toan cho mọi người như chị cả trong nhà…
Khi lên bờ, nhận được lệnh ở lại chuẩn bị bến mới, anh rất hồ hởi. Chia tay
chúng tôi, anh bịn rịn hết mức… Vậy mà mấy năm sau, trong một lần đi
công tác, anh bị địch phục, rồi hy sinh. Thiệt tội!
Anh Phấn dừng kể. Tôi cũng không hỏi thêm. Tôi biết để có chuyến đi vào
Lộ Giao năm 1964 đó, từ trung ương đến địa phương đã chuẩn bị rất công
phu. Đồng chí Phan Võ và một cán bộ điện đài được Bộ tư lệnh Hải quân
cử vào khu 5 để trình bày kế hoạch. Sau khi cân nhắc và chọn Lộ Giao (còn
gọi là Lộ Diêu) làm bến nhận hàng, Trung ương chỉ thị cho Bình Định lập
bộ phận chuyên trách, chuẩn bị đón tàu. Bộ phận này có mật danh HB.15,
do ông Trương Trọng Hạng, bấy giờ là tỉnh đội phó, tham mưu trưởng tỉnh
đội, phụ trách. Bộ phận có hai đại đội. Ngoài việc huấn luyện các khoa mục
chiến đấu, còn được huấn luyện thêm về kỹ thuật công binh, quân giới.
Cuối tháng 5 năm 1964, hệ thống kho bí mật trên núi, bao gồm cả hầm hào
chứa vũ khí đã hoàn tất.