Nhận được tin tàu Hải quân từ miền Bắc chở vũ khí vào, thường vụ tỉnh ủy
Bình Định chỉ đạo Ban an ninh vào cuộc. Đồng thời tổ chức ban chỉ huy
bến gồm các anh Trương Trọng Hạng, Lê Châu (tức Tâm), bí thư; Nguyễn
Xuân Phương (tức Nguyễn Xích Nhạn), thường vụ huyện ủy Hoài Nhơn để
tổ chức lực lượng bảo vệ, bốc dỡ, vận chuyển… Lộ Giao (Lộ Diêu) thuộc
xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, là vùng đất hẹp nằm trên một eo biển như
bao eo biển khác trong vùng biển này, giữa hai mỏm nhô ra của dãy núi
Chóp Chài. Bởi vậy khi tàu vào, địa phương cho gác hai đầu mỏm núi, chặn
mọi sự qua lại. Lực lượng lấy hàng gồm bộ phận HB.15 và quần chúng hai
thôn, Lộ Giao và Phú Thứ (xã Mỹ Đức). Vũ khí được cất giấu dưới những
chiếc hầm đào tạm trên cát, sau đó được chuyển lên núi. Nhờ có vũ khí tàu
401 chở vào, tháng 12 năm 1964, Bộ tư lệnh quan khu V đã mở các đợt
hoạt động nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực ngụy, hỗ trợ cho quần
chúng nổi dậy.
Chuyện anh Trần Phấn kể về những chuyến đi khác, tôi xin viết ở phần sau.