Kim Sang, phó tham mưu trưởng phụ trách quân báo và công tác "B" của
Bộ Tư lệnh hải quân; đồng chí Phan Hàm, Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng
Tham mưu và nhiều cán bộ lãnh đạo đoàn 125 đã tiễn các đồng chí thủy thủ
lên đường. Đại tá Nguyễn Bá Phát phát biểu, nêu tầm quan trọng có tính
lịch sử của chuyến đi mở đường vào Khu 5, thể hiện quyết tâm của Trung
ương Đảng, tạo mọi khả năng chi viện cho chiến trường. Đồng chí nhắc lại
chuyến đi vào Khu 5 không thành đêm 30 tết Canh Tý (1960) của "Tập
đoàn đánh cá sông Gianh" trước đây. Năm anh em trên tầu hiện còn bị địch
giam giữ, nhưng con đường vận tải trên biển vẫn tồn tại, kẻ địch vẫn bị bất
ngờ. Như vậy, việc chở vũ khí vào Khu 5 bằng đường biển, Quân uỷ Trung
ương đã có dự định cách đây 4 năm. Đồng chí nhắc nhở, dù bất luận trường
hợp nào, phải giữ được tuyệt đối bí mật. Đồng chí xúc động nói: “Cuộc
chiến đấu của chúng ta khó tránh khỏi mất mát hy sinh, nhưng Bộ Tư lệnh
giữ niềm tin nơi các đồng chí, các đồng chí sẽ thắng lợi và trở về khoẻ
mạnh”. Rồi đồng chí bắt tay từng người.
Ngày hôm sau, tầu 401 chở 33 tấn vũ khí rời bến.
Ra khỏi Long Châu, gió mùa đông bắc tràn về, sóng cấp 5 cấp 6,và ngày
càng lớn... Biết không thể tiếp tục hành trình được nữa, chi uỷ hội ý và
quyết định cho tầu quay trở lại.
Ngày 10 tháng 10 tầu xuất phát lần thứ hai. Song lần này lại gặp bão, đành
tạm trú ở đảo Hải Nam... Ngày 25 tháng 10, bão ngớt, tầu lại nhổ neo. Trên
đường đi, thỉnh thoảng tầu 401 gặp tầu Mỹ, song chúng không ngờ rằng ta
lại có thể táo bạo như vậy.
Trưa ngày 30 tháng 10, trên đường chuyển hướng vào bờ, máy bay địch
bám theo. Phó thuyền trưởng Trần Phấn phất cờ "Ba que"ra hiệu là tầu đánh
cá. Sau nhiều vòng lượn nghiêng ngó, thấy không có gì khả nghi, nó bay ra
khỏi khu vực.
Đêm 31 tháng 10, tầu 401 bắt được bờ. Song vì máy trục trặc nên mãi đến 4
giờ sáng, tầu mới tới được bến.
Sóng ở bãi ngang rất lớn, việc dỡ hàng gặp nhiều khó khăn. Trời sắp sáng,
đồn địch ở gần. Anh em quyết định cho tầu vào gần bờ. Chỉ một lát, tầu xục
vào bãi cát, mắc cạn.