HUYỀN THOẠI TÀU KHÔNG SỐ - Trang 93

sẵn để nhận vũ khí. Chuyến đó bọn này chở toàn súng lớn: B40, B41,
DKZ...và nhiều chủng loại khác, đủ cơ số trang bị cho một đơn vị cấp “E”.
Trung đoàn này nhận xong vũ khí, vừa kịp tham gia đợt hai của chiến dịch.
Đợt một từ đêm ngày hai tháng mười hai năm sáu tư (2- 12- 1964). Khi
chiến dịch kết thúc, vào ngày ba tháng một năm sáu lăm (3- 1- 1965), bọn
này đã ra đến miền Bắc... Sau này được phổ biến lại rằng trong chiến dịch
Bình Giã, chỉ một tháng, quân ta đã đánh năm trận cấp trung đoàn, hai trận
cấp tiểu đoàn, diệt gọn hai tiểu đoàn chủ lực nguỵ, một chi đoàn xe bọc
thép; đánh thiệt hại nặng ba tiểu đoàn khác; vùng căn cứ được mở rộng đến
sát biển, mừng quá trời... Mình còn nhớ hồi ấy, ông Lê Duẩn đã nhận định
rằng, nếu trận Ấp Bắc địch thấy khó thắng ta thì sau trận Bình Giã, địch
thấy thua ta. Cả hai chiến dịch đó người lính "tầu không số" đều góp sức
không nhỏ. Nếu không có bốn chiếc tầu gỗ chở hơn trăm tấn vũ khí vào Cà
Mau năm sáu hai, (1962) liệu có súng lớn mà phá chiến thuật trực thăng
vận, chiến xa vận của chúng ở Ấp Bắc, Mỹ Tho không? Mấy khẩu súng
trường moi dưới đất lên có bắn nổi máy bay, tầu bò? Nhưng hình như người
ta đã quên ráo... Trong miền Tây đang chuẩn bị kỷ niệm năm chẵn chiến
thắng Ấp Bắc, to lắm...Nhưng chẳng ai nhắc đến "vũ khí". Chỉ thấy ca ngợi
"tinh thần"... Nói vậy, chẳng phải kể công, nhưng mọi đánh giá cần khách
quan, khoa học. Cũng tại mấy ông chỉ huy Hải Quân nhà mình cả. Nghe
nói, bên Vận tải biển viết tài liệu phô rằng, việc rà phá thủy lôi, thông luồng
năm bẩy hai, công chính là của họ, vậy mà mấy cha đang ngồi ở ghế bây
giờ cũng làm thinh... Chẳng tự trọng, tự ái gì, lạ thế... Buồn! Chỉ tội những
người đã quên cả mạng sống để tham gia công việc ấy... Mấy năm vừa rồi
mình giật chỗ này, cấu chỗ nọ, xin tiền vợ lang thang đây đó rồi viết cho
báo này, báo nọ vài điều sự thật cũng là để bàn dân thiên hạ rõ rằng có được
khẩu súng vào chiến trường, đâu dễ. Phải đổi bằng máu, bằng mạng sống.
Không làm được gì hơn cho đồng đội thì có tí chút khả năng, gắng ghi chép
đúng về họ vậy. Người sống đã đành, còn người chết...Tôi hỏi ông, tầu 165
tan vụn ngoài khơi, thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và mười tám thủy
thủ mất xác đã bao năm? Trên ba mươi năm! Nhưng đã mấy ai biết về họ?
Nào, ông nói đi, đã bao nhiêu người biết về sự hy sinh của con tầu này?
Liệu trong ngày giỗ hàng năm, có ai trong số mười tám chiến sỹ ấy được
cấp trên tới nhà thắp một nén nhang?...Những người như thủy thủ tầu 165
không thể bị lãng quên. Quên họ là có tội.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.