Sau cuộc nghị bàn mưu kế phá giặc của triều đình, cả nước sục sôi khí
thế giết giặc lập công. Khắp các làng quê, dân binh luyện tập, dân chúng tải
lương, chuyển vận binh khí; binh sĩ rầm rập kéo quân lên tận biên thùy hoặc
đi trấn giữ các vùng hiểm yếu.
Đầu tháng một (tháng 11 âm lịch) ngoại gián báo về: “Quân Nguyên
đã rời Ngạc Châu đi Quảng Tây từ đầu tháng chín, chậm nhất là thượng
tuần tháng một giặc sẽ đến biên thùy nước ta. Ích Tắc và bọn tòng vong đều
được Thoát-hoan cho theo về nước…”.
Ngoại gián của ta ở Quảng Đông, Quảng Tây cũng dồn dập đưa tin
về. Tất cả đều nói lên một điều: “Giặc đông chưa từng thấy, không thể ước
được con số chính xác. Chỉ vài ngày nữa giặc sẽ tới biên thùy…”.
“… Giặc đã đóng lương thực xuống thuyền. Thuyền nào cũng khẳm
nặng ước chở tới năm, sáu trăm thạch gạo. Tổng số thuyền lương khoảng
non một trăm chiếc. Thuyền chiến cũng đậu san sát từ ngoài vào trong tới
mấy vòng, ước tính hơn bảy trăm chiếc. Tất cả đều đậu tại cảng Khâm
Châu…”.
Trước khi giặc vào cõi, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương đã có lời
răn các tướng: “Khi giặc mới vào, lực nó còn đang sung mãn, tùy nơi tùy
lúc nếu chắc thắng mới đánh, còn không chỉ ngăn cầm chừng rồi lui quân
về các nơi quy ước. Phải bảo toàn được lực lượng, phải tiết kiệm máu
xương sĩ tốt để dành cho các trận đánh lớn khi cần…”.
Giữa tháng một, quân kỵ, quân bộ, quân thủy giặc ào vào đất ta như
một trận sóng thần. Tất cả các con đường từ biên ải Lạng Châu tiến về Vạn
Kiếp giặc đều chiếm lấy.
Đại quân của giặc từ Tư Minh qua Vĩnh Bình ào vào Lộc Châu thì
tách ra làm hai cánh. Cánh phía tây do Bôn-kha-đa, Trịnh Bằng Phi chỉ huy
tiến về phía ải Chi Lăng (Lão Thử).
Cánh quân phía đông do Thoát-hoan và Áo-lỗ-xích sau khi qua Lộc
Châu tiến về chiếm ải Khả Ly và vòng qua lối Sơn Động (Động Bản).