Hai ngày sau giặc vẫn phải lấy đường này để vào sâu trong đất ta,
nhưng chúng xua quân tân phụ
[43]
đi trước. Cứ mỗi toán một trăm tên lính
tân phụ lại có mười tên kỵ sĩ Mông Cổ đi kèm sau. Nói là để bảo vệ nhưng
thực ra là để thúc ép. Giặc đi dò dẫm từng bước, toán nọ cách toán kia tới
cả dặm đường. Nhưng Phạm Ngũ Lão đã lui binh về phía sau chỉ còn để lại
những nghi binh dọc đường. Chỗ thì một ụ đất mới đắp với tấm bia mộ
bằng thân cây mới đẽo, và hàng chữ ghi trên mộ chí: NƠI ĐÂY LÀ MỒ
CHÔN QUÂN XÂM LƯỢC NHÀ NGUYÊN. Những nấm mồ giả và mộ
chí như thế này làm chột dạ đám quân tân phụ lót đường, nhưng bọn quan
quân Mông Cổ thì hết sức căm tức. Và khi không có dấu hiệu quân ta cản
đường nữa, chúng tỏ vẻ hung hăng thúc quân như vũ bão. Chợt lại hiện ra
một đoạn đường có dây căng từ mép rừng bên tả sang mép rừng bên hữu,
cứ liên tiếp dày dặc và kéo dài tới mấy chục trượng.
Tướng giặc sai quân lui, và cho cắt thử vài đoạn không thấy có dấu
hiệu gì, biết quân Việt nghi binh trêu tức, Bôn-kha-đa cả giận quát:
- Kỵ binh tiến trước, lấy dao chặt hết dây chằng dọn đường cho quân
đi.
Lập tức cả trăm kỵ binh xông lên, chúng lăm lăm các thanh đao để
ngửa lưỡi và phóng ngựa thật nhanh, đao sắc tới mức khi lưỡi đao chạm
phải những dây chằng tựa như chạm vào những sợi tơ nhện. Bất chợt tới
đoạn gần cuối dây đứt làm cho bẫy đá từ hai bên sườn núi lăn xuống ầm ầm
khiến quân giặc kinh hoàng. Chúng hét la inh ỏi tưởng cảnh mấy ngày trước
lại tái diễn và chúng sẽ bị chôn sống trên đoạn đường này. Nhưng loáng
thoáng chỉ có dăm con ngựa và mấy tên lính Mông Cổ bị đá đè chết, mươi
đứa gãy chân tay cùng gần chục con ngựa què không đi được phải bỏ lại. Đi
được một đoạn thấy có tấm bảng bằng thân cây mới đẽo vỏ với hàng chữ
nét mực còn tươi: “Quân giặc muốn thoát chết hãy quay đầu trở về Bắc
quốc!”.
Toán quân đi trước sợ hãi dừng lại. Bôn-kha-đa hét lớn: - Đi thẳng,
không được đụng vào nó!