ngoài rồi đâm nó ngã xuống sông, hai là húc đầu vào bụng nó để cùng ngã.
Khi thuyền giặc kéo tới với số đông áp đảo, thì tất cả quân ta đều bỏ thuyền
nhảy ào xuống sông. Chưa một tên giặc nào dám nhảy theo quân ta. Bởi
chúng rất sợ tài bơi lặn của người Giao Chỉ. Chúng thường phao ngôn trong
đám quân người Hán rằng: “Quân Giao Chỉ có thể đi chìm trong nước cả
ngày không cần ngoi lên để thở”. Và: “Quân Giao Chỉ có thể đang đêm đục
đáy thuyền làm đắm thuyền giết chết đối phương trong lúc đang ngủ là
chuyện bình thường”… Chính những lời đồn đại ấy mà giặc sợ quân thủy
của ta như sợ thần Hà Bá
[59]
Đúng lúc hàng ngàn quả pháo thăng thiên vừa vụt tắt thì từ nhiều phía
chiến thuyền của quân ta lại xông ra tiếp chiến. Đây là số quân tiếp viện
đông tới một vạn, lúc này thượng tướng Trần Nhật Duật mới tung thêm vào
trận. Trong số một vạn quân này chia làm hai cánh do các tướng Hà Anh và
Lê Thạch tổng quản.
Tướng Lê Thạch dẫn năm ngàn quân trên hai mươi lăm chiến thuyền,
lao thẳng vào trung tâm quân giặc với hàng trăm thuyền lớn nhỏ chúng
đang quây chụm vào nhau ở giữa ngã ba sông để chống đỡ với quân ta.
Đoàn thuyền của Lê Thạch như một mũi khoan nhọn hoắt khiến
thuyền giặc phải giãn ra về hai phía tựa như chiếc xích sắt vừa bị đứt tung
một mắt.
Tưởng quân ta sẽ xông vào cái vòng vây giặc vừa hé cửa, viên hữu
thừa A-ruc, tên tướng Mông Cổ đã bị Trần Nhật Duật đánh cho thua liểng
xiểng cũng trên khúc sông này mới cách đây bốn năm trước, y hạ lệnh:
- Cứ để cho thuyền Giao Chỉ lọt vào rồi khép chặt vòng vây bắt sống.
Lê Thạch không những không bị giặc lừa mà ông cho quân đánh ráo
riết khúc đầu khi giặc vừa tỏa ra. Với tất cả các thứ khí giới lợi hại như hỏa
tiễn (pháo sáng) bắn lên để soi tìm giặc, rồi hàng loạt tên bùi nhùi bắn vào
một điểm cho thuyền giặc bốc cháy. Chỉ cần một hai thuyền giặc bốc cháy
là đủ ánh sáng để quân ta dùng nỏ liên châu vãi tên về phía quân giặc.