Khi nhìn rõ mọi vật, thấy trận địa mà quân mình vấp phải nó đơn giản
như một trò chơi con trẻ, Ô-mã-nhi giận điên lên, y quát:
- Đi giữa ban ngày, một tên lính tốt của ta nó cũng phá được thế trận
này. Có phải đây là thần mưu của Hưng Đạo? Chỉ bực vì lũ giặc này lại
dám cản đường ta.
Trận này giặc vừa chết vừa bị thương nhiều hơn trận giặc vừa mới bị
đánh lúc nửa đêm, thuyền đắm mất vài chiếc, thuyền bị thủng, vỡ phải sửa
chữa cũng năm sáu chiếc. Một đạo quân lớn mà thiệt hại như vậy chưa có
thể làm cho giặc phải quan tâm còn nói chi đến việc kinh động đến nó.
Quá nửa đêm hôm ấy tiền quân của giặc đã về tới Vạn Kiếp.
Đang ngủ say, quân vào bẩm: “Ô-mã-nhi đã đem quân đến, xin được
gặp Trấn Nam vương”.
Nghe Ô-mã-nhi đã đem cả chục vạn quân thủy tới Vạn Kiếp, Thoát-
hoan vùng ngay dậy.
Ô-mã-nhi chưa kịp cúi chào, Thoát-hoan đã lên tiếng:
- Ôi tướng quân, ta mong ông quá. Đường đi có thuận không? Sức
khỏe vẫn tốt chứ? Trong quân có đứa nào bị say sóng không?
Ô-mã-nhi lúng túng và cảm động bởi sự quan tâm của chủ tướng.
Sau giây lát, Ô-mã-nhi lên tiếng:
- Tạ ân Trấn Nam vương có lời thăm hỏi. Chúng tướng và binh sĩ thẩy
đều bình an. Lác đác trong quân cũng có kẻ ốm đau. Chừng vài ba ngàn đứa
quân bị say sóng, ấy là binh thuyền đã lựa đi đường ven biển, sóng gió
không đáng kể. Bẩm, dọc đường quân Giao Chỉ có vài ba lần quấy rối,
nhưng chúng bị dẹp tan ngay tức khắc, quân ta có thu được vài ba chục
chiến thuyền đem về ra mắt Trấn Nam vương.
Thoát-hoan mừng rỡ khen ngợi:
- Bạt-đô tướng quân quả là danh bất hư truyền. Chờ Trương Ngọc,
Lưu Khuê về hội đủ cùng với Trương Văn Hổ nữa ta sẽ cho quân tiến về
Thăng Long vây bắt cha con Nhật Huyên và Hưng Đạo luôn thể.