Đang lúc nước triều lên, gió thổi mạnh hơn nên thuyền giặc cũng đi
nhanh hơn. Thuyền giặc nối nhau thưa thoáng, đứng trên cao nhìn xuống
thấy chúng giăng giăng thật là nghịch mắt. Trời nước êm ả thanh bình, mấy
cánh hải âu chao liệng trên mặt biển ngay sát với đoàn thuyền khiến ta có
cảm giác đây là một đoàn du thuyền hơn là chiến thuyền, hoặc thuyền vận
tải quân lương cho một đội quân khổng lồ đang nằm sâu trong đất ta, ngày
ngày chúng sục sạo vào các hương ấp vơ vét của cải, tàn sát dân ta.
Khoảng gần cuối giờ hợi, mặt biển bừng sáng, vài thuyền giặc bốc
cháy, rồi nhiều thuyền bốc cháy, ngọn lửa càng lúc càng dâng cao, từ đỉnh
núi nhìn xuống tựa như một đêm hội hoa đăng. Tuy vậy, tại đó chiến trận
đang diễn ra hết sức ác liệt. Thoạt đầu là tướng Nhân Đức hầu cho quân
xuyên một mũi tách đám thuyền lương và thuyền chiến rồi khóa đám
thuyền chiến lại đánh xáp lá cà.
Quân chúng trên thuyền vừa vào giấc ngủ, vả lại từ bữa qua Vạn
Ninh, quân Việt chỉ quấy rối nhì nhằng rồi tháo chạy. Và từ đó quân
Nguyên cứ men theo bờ biển của Giao Chỉ đi trong cảnh thuận buồm xuôi
gió, sóng yên biển lặng, ngày vài bữa ăn xong quân lại xúm quanh chiếu
bạc đêm thì ngủ vùi, chỉ còn vài đứa thức thay nhau giữ tay lái tay lèo cho
thuyền đi êm ả như đi vào cõi mộng mơ. Bất chợt bị quân Đại Việt chặn
đánh, thuyền chúng xô vào nhau gãy vỡ răng rắc, buồm lật thuyền quay
nghiêng, lái không còn điều khiển được nữa. Quân giặc hốt hoảng chưa kịp
định thần, chưa biết điều gì vừa xảy ra thì quân Đại Việt đã ào ào nhảy lên
thuyền giặc, dao nhọn giắt lưng, mã tấu cầm tay đâm chém lia lịa.
Cùng lúc tướng Nguyễn Chế Nghĩa phục quân từ ngoài biển đánh tạt
sườn đoàn thuyền lương, và ở phía trên Cửa Vạn quân của phó tướng Trần
Khánh Dư đánh vỗ mặt đám binh thuyền giặc, theo như kế đã vạch là lùa
cho binh lương giặc phải vào Cửa Vạn. Bởi trong Cửa Vạn là căn cứ, là sào
huyệt mênh mông của đại bản doanh Trần Khánh Dư ở Vân Đồn. Và tại đó
ông đã bố trí binh lực có thể nghênh chiến với đại binh của giặc. Mặt khác
ông cũng chuẩn bị cả kho tàng trong hang núi, nhằm hót lương của giặc tích
chứa vào đó để nuôi quân mình.