một tên cướp từng vẫy vùng ngang dọc như thôi thúc hắn phải thoát khỏi
trùng vây. Trương Văn Hổ lấy đà phi thân sang một chiếc thuyền ở phía
ngoài, rồi chuyển tới chiếc ở phía ngoài nữa, hắn đi về đằng lái chỉ cho tên
cầm lái hướng thoát thân.
Một số những chiếc thuyền khác lặng lẽ vượt ra khỏi vòng vây. Trong
khi ấy lửa vẫn còn leo lét cháy ở một số thuyền lương bị đốt và tiếng hô
“Sát Thát!” cùng với tiếng tù và, tiếng trống đồng của quân Đại Việt vẫn
vang ầm cả mặt biển.
Quân Đại Việt do thông thạo địa hình lại giỏi nghề bơi lội, được chủ
tướng dạy cho phép đánh cận chiến và thường xuyên được luyện tập nên
khi gặp giặc họ chẳng còn lạ lẫm gì. Hơn nữa phần đông trong số họ đã
từng tham gia đánh bại quân Nguyên trên các bến Chương Dương, Hàm Tử
và Vạn Kiếp trong trận chiến năm Ất Dậu mới cách đây có ba năm, lòng
căm giận loài giặc dữ còn chưa nguôi, nay lại bùng cháy lên như một bể dầu
sôi.
Hai chiến sĩ vừa nhảy sang thuyền giặc lập tức có năm tên quây lại
đánh. Hai chiến sĩ lấy đao gạt bay các đồ khí giới của giặc, mấy tên khác
liền xông vào. Vừa lúc Nguyễn Chế Nghĩa cùng mấy dũng sĩ khác nhảy lên
thuyền giặc tiếp ứng. Chế Nghĩa dùng đao chém rụng đầu một đứa, máu từ
cổ y phun lên thành cột. Trong lấp lóa ánh đêm mờ ảo, quân giặc sợ xanh
mắt lùi về một góc thuyền. Quân Việt đành phải hóa kiếp chứ không lý gì
lại nương tay với giặc, bởi chỉ trong ba, bốn năm chúng đã hai lần gieo tội
ác tày trời.
Trương Văn Hổ chạy cùng với bao nhiêu thuyền lương, thuyền chiến
chạy theo, y cũng không biết nữa. Y hò hét ra lệnh cho quân vừa dùng sức
gió chạy buồm, vừa dùng sức người chèo cho thuyền chạy nhanh. Chạy
nhanh hơn nữa chỉ mong sao cho thoát chết.
Thuyền ra khỏi vùng chết độ mươi dặm, Trương Văn Hổ thấy bốn bề
tĩnh lặng chỉ có trời nước mênh mang và tất cả đều chìm trong cái màu mờ
xám đến nhức mắt, duy chỉ có chòm sao Bắc Đẩu ngự trên cao kia là nhấp
nháy sáng. Nhìn vào vị cứu tinh của biển cả, Trương Văn Hổ cảm thấy ấm