giặc, ta phải bình tĩnh nhằm sơ hở của nó mà tìm đường thoát cho thật
nhanh. Nên nhớ, thuyền của ta vừa to lớn cồng kềnh vừa chở nặng, việc di
chuyển thật khó khăn. Bởi vậy phải biết tựa vào nhau, kết liên lại làm sức
mạnh. Hiện thời chưa biết quân hộ tống chạy đâu hết, nhưng mỗi thuyền
vẫn còn tới năm sáu chục quân, nếu biết chia ra mà đối phó thật gan dạ, thời
quân ít vẫn có thể thắng quân nhiều. Chỗ này ta thấy tạm yên, các ông về
cho thuyền ẩn sát vào chỗ khuất lấp quanh sườn núi, chờ xem còn thuyền
quân, thuyền lương nào chạy thoát thì gom cả vào đây. Có nhẽ quân ít, ta
không thể đi ban ngày được đâu, một khi giặc đã phát lộ ra thì khó bề tẩu
thoát.
- Bẩm vạn hộ thế thì ta phải đi trong đêm sao. Một viên đô tướng
mạnh dạn hỏi.
- Phải, chúng ta đi đêm, Trương Văn Hổ đáp.
- Bẩm đi đêm như người mù, mà lũ hạ cấp đâu có biết được luồng
lạch sâu nông thế nào, lại còn san hô, đá ngầm nguy hiểm lắm.
- Được, ta sẽ đi tiên phong dẫn đường, các ông cứ theo luồng ta đã đi
thì không sợ vấp. Nói xong Trương Văn Hổ khoát tay ra lệnh: - Mau cho
thuyền tìm chỗ trú ẩn kín đáo.
Lại nói các tướng Nhân Đức hầu Trần Đa, Nguyễn Chế Nghĩa,
Nguyễn Khoái chặn đánh tan tác mấy chục thuyền quân hộ tống và cả đoàn
thuyền lương dài dằng dặc từ cửa Ba Chẽ qua Cửa Vạn tới Cửa Đối. Đám
thuyền binh giặc những chiếc nào bị quân ta quây lại đánh, biết nguy ngập
không chạy trốn được, chúng chống cự rất yếu ớt rồi ngồi tụm lại ở một góc
thuyền, khi quân ta ùa vào chúng đều xin hàng cả. Còn những chiếc ở ngoài
vòng vây, chúng không hề có ý định cứu nhau hoặc cứu các thuyền lương
mà mạnh thuyền nào thuyền ấy tháo chạy.
Nhiệm vụ của ba vị tướng quân ngoài việc tiêu diệt giặc còn phải
ngăn không cho chúng nó chạy thoát và dồn chúng vào Cửa Vạn và Cửa
Đối để các lực lượng phía trong tiêu diệt nốt.
Sau khi đã trao nhiệm vụ cụ thể cho từng vị tướng dưới quyền, Nhân
Huệ vương Trần Khánh Dư tự mình cầm quân bày trận chờ bắt giặc trong