huy biết không thể kháng cự và cũng không thể trốn chạy. Đúng lúc đó, từ
trên bờ, ngay phía sau những chiếc thuyền giặc, có tiếng nói phát qua một
chiếc loa đồng, giọng trầm sâu chắc nịch, đương nhiên phải nói bằng tiếng
Tàu:
“Kẻ xâm lược đã cùng đường! Các ngươi đang bị bao vây bốn mặt.
Nếu muốn toàn tính mạng kéo ngay cờ trắng đầu hàng, bỏ hết khí giới lại
thuyền và từng người một bước lên bờ”.
Dưới kia, các thuyền lục tục kéo cờ trắng. Đành rằng quân thiên triều
không ngờ đến kết cục này nên không mang theo từ lúc xuống thuyền. Vậy
mà thuyền nào cũng kiếm được khá nhiều vải trắng và cùng một lúc, màu
trắng đã tràn ngập các thuyền binh, thuyền lương của quân đầu hàng.
Trên bờ không biết quân từ đâu ào xuống sát mép nước và kéo dài tới
mấy dặm. Khoảng vài chục chiếc thuyền từ trong lạch tiến về phía bến nối
nhau thành một chiếc cầu dài đón hàng binh lên bờ.
Quân đầu hàng lần lượt rời thuyền leo lên cầu. Loa lại thét:
- Các viên đô tướng, tiểu đô tướng đi về bên tả. Quân lính đi về bên
hữu.
Phó tướng Nhân Huệ vương sai dẫn tù binh tới vùng sâu nội địa và
lọc những tên đầu sỏ để lấy cung ngay, lại sai quân đưa hết lương thực vừa
thu được vào kho cất giấu. Giao các việc cho thuộc cấp xong, Nhân Huệ
vương liền cấp báo cho Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, thượng
tướng Chiêu Minh vương Trần Quang Khải: “Có một số thuyền lương của
giặc chạy thoát đang tìm đường vào Bạch Đằng rồi ngược Vạn Kiếp đem
lương cho quân Thoát-hoan. Xin vương ra tay trừng trị không để cho một
thuyền lương nào của giặc chạy thoát vào nội địa”. Một mặt sai Nguyễn
Khoái đem binh thuyền truy đuổi tàn quân của giặc, mặt khác sai Nhân Đức
hầu Trần Đa và tướng Nguyễn Chế Nghĩa chốt đủ thuyền bè và quân tinh
nhuệ gần Cửa Vạn, Cửa Đối, nếu giặc lại đưa thêm viện binh hoặc lương
thực qua nước ta bằng đường biển phải tiêu diệt sạch sành sanh ngay lập
tức. Lần này không cần che giấu nanh vuốt nữa, bởi trách phận lớn lao nhất