Nhìn ánh mắt các tướng dò hỏi nhau, Hưng Đạo vương đọc được tâm
trạng họ, ông bèn nói:
- Sở dĩ bữa nay ta phá lệ là bởi chúng ta đang sống trong một đất
nước yên bình thời các ông với ta cũng phải được hưởng nhàn một chút
chứ. Vả lại, vừa đánh bại một đội quân xâm lăng tự xưng là vô địch dưới
gầm trời, công các ông lớn lắm, không lấy gì mà khen thưởng cho xứng
đáng, đành nhờ ngòi bút của các sử quan để chép ghi tên tuổi và chiến công
của các ông vào quốc sử lưu danh hậu thế, chẳng biết các ông có vui lòng, -
vừa nói, Hưng Đạo vừa liếc nhìn về phía sử quan Lê Văn Hưu.
- Tạ ơn Quốc công! - Mọi người lại đồng thanh.
Bỗng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lên tiếng:
- Bẩm, Quốc công vừa nói bọn tiểu tướng “chờ lập công”. Như vậy có
nghĩa giặc Thát lại sắp vào cõi?
Quốc công đặt bát rượu xuống kỷ, ông cười lớn:
- Ôi, ta chỉ mong sao cho đất nước yên bình, bách tính an cư lạc
nghiệp, nhưng ai dám đoan chắc rằng Hốt-tất-liệt từ bỏ dã tâm xâm lăng đất
nước ta. Ta không tin cha con Hốt-tất-liệt có thể nuốt trôi cuộc bại trận nhục
nhã vừa qua.
Quốc công nhìn khắp lượt các tướng và với giọng ấm áp, ngài nói
tiếp: - Các ông nên nhớ, thân làm tướng, dù đất nước yên bình cũng phải
coi như giặc sắp tới biên thùy, như giặc sắp vào cõi, huống chi Hốt-tất-liệt
một con mãnh thú với tham vọng ngông cuồng muốn thu cả gầm trời này
vào trong lòng tay nó. Và thực tế chưa có một quốc gia nào là địch thủ xứng
tầm với nó. Ngoại trừ hai lần nó bị đại bại trên đất Đại Việt năm Đinh Tỵ
(1257) và năm Ất Dậu (1285). Các ông thử tưởng tượng thái tử Thoát-hoan,
con một đại hãn tức thiên tử nhà đại Nguyên phải chui trong chiếc rọ như rọ
lợn rồi sai quân bọc đồng lá ở ngoài để tránh tên đạn, và quân chúng lôi
xềnh xệch trên đường tháo chạy như lôi một con chó. Lý Hằng, Lý Quán là
những tướng hùm sói chưa từng thua trận mà mưu lược như thần phải chạy
theo hộ vệ, che chắn cho chủ tướng cũng đều mất mạng trên đường trốn
chạy. Toa-đô là danh tướng theo hầu dưới trướng Hốt-tất-liệt cũng bị chém