phái một đội hạm thuyền tới mấy trăm chiếc cùng hơn ba vạn quân vào
đánh Nhật Bản. Nhưng người Nhật đã kiên cường đánh trả, lính chết,
thuyền chìm mà giặc không đưa được một tên quân nào lên bờ buộc phải
quay đầu tháo chạy. Trên đường trốn chạy lại bị phong ba nhấn chìm đến
quá nửa.
Hưng Đạo ngừng lời giây lát, ông ngửng nhìn khắp lượt các tướng rồi
thong dong nói tiếp: - Như thế dưới gầm trời này duy nhất chỉ có hai quốc
gia dám cưỡng mệnh Hốt-tất-liệt. Và cũng chỉ có hai nước ấy dám đánh lại
và đã đánh bại quân thiên triều khiến thiên tử bẽ mặt. Ấy là nước Đại Việt
ta và nước Nhật Bản. Nước Nhật Bản vừa kiên cường vừa có biển cả làm
chiến lũy đã hai lần gây cho Hốt-tất-liệt nỗi kinh hoàng để dạ, chắc từ nay y
không còn tham vọng hão huyền với đất nước Phù Tang nữa.
Với nước ta, tuy quân Nguyên cũng đã có hai lần đại bại, nhưng lần
vừa mới đây là đau đớn nhất, nhục nhã nhất với thiên triều; nhất định Hốt-
tất-liệt không chịu bỏ qua chuyện này. Hơn nữa thực lực của y còn mạnh
lắm, bởi cả nước Trung Hoa giàu có và bao la là thế cùng biết bao nước
khác đều nằm dưới ách thống trị của y, thì việc huy động binh lực đánh
nước ta là việc trong tầm tay của tên bạo chúa này, vả lại nước ta, đường bộ,
đường biển đều tiếp giáp với nước Nguyên, rất thuận tiện cho giặc đổ quân
vào.
Ta không mong, nhưng chắc sẽ không tránh được quân Nguyên lại
xâm lược nước ta một lần nữa. Vậy theo ý các ông, ta nên trù hoạch thế nào
để kình chống với cuồng vọng của Hốt-tất-liệt đây?
Lê Tần, vị tướng trải thờ ba triều xin nói:
- Bẩm Quốc công, trận vừa rồi ta thắng lớn, đuổi được giặc dữ ra khỏi
bờ cõi là bởi ta có hồn thiêng sông núi và anh linh của các liệt tổ phù trợ, lại
nữa ta còn có kỳ mưu chứ thực tình không phải ta mạnh hơn giặc. Vì vậy
lần này muốn thắng giặc, ta vẫn phải có kỳ mưu nhưng không thể thiếu một
đội quân chiến đấu vừa dũng mãnh vừa thiện xảo.
Nguyễn Khoái, vị tướng trẻ từng kịch chiến với giặc nhiều trận thấy
vị tướng già nói ta thắng giặc bởi kỳ mưu chứ không phải lực ta mạnh hơn