Đại quân thủy bộ của hai vua Thánh tông, Nhân tông và Chiêu Minh
vương đóng cách quân Nguyên chỉ năm, sáu dặm theo đường chim bay
trong một khu vực giặc khó có thể ngờ, nhưng vẫn cho quân thám dõi theo,
giám sát chúng rất chặt chẽ. Chợt thấy hậu quân của Ô-mã-nhi rục rịch,
quân ta cũng chuẩn bị lên đường.
Nước triều đang xuống, binh thuyền của giặc đi khá nhanh, khoảng
đầu giờ thìn, tướng Nguyễn Khoái dẫn khoảng năm mươi chiếc khinh
thuyền từ trong cửa sông Chanh tiến thẳng về phía thuyền giặc còn đang ở
phía mờ xa. Chừng một canh giờ sau, hai bên đã nhìn rõ nhau. Nguyễn
Khoái phất cờ cho đoàn thuyền dàn hàng ngang xông thẳng vào đoàn chiến
thuyền hùng hậu của Ô-mã-nhi khiêu chiến.
Giặc thấy lực lượng quân ta nhỏ bé tới thảm hại mà dám liều lĩnh gây
sự chẳng khác lũ thiêu thân, chẳng khác con kiến gió đòi thách đấu với cả
đàn voi. Ô-mã-nhi sai quân tức tốc truy đuổi để bắt sống.
Thuyền giặc to lớn cồng kềnh di chuyển khó khăn, trong khi thuyền
của quân ta nhỏ nhẹ thoắt lui thoắt tới, chạy vòng chạy vèo nhưng luôn giữ
một khoảng cách ngoài tầm tên bắn. Giặc tản thuyền ra kín mặt sông quyết
bắt sống cho bằng được đám thuyền kia.
Chừng đã sang giờ tỵ, nước triều xuống rất nhanh. Từ trên cao quan
sát, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương thấy thuyền giặc đã vào sâu, ông
hạ lệnh cho nổ pháo hiệu và đốt khói khắp triền sông cho Nguyễn Khoái
biết.
Nhận được lệnh, Nguyễn Khoái phất cờ thu quân rút chạy trở lại sông
Chanh và trốn trú nơi phía bãi Yên Giang. Thuyền giặc ầm ầm lao đuổi
giữa lúc nước triều xuống mạnh, cọc ngầm chỉ còn cách mặt nước vài gang
tay, dòng nước hút thuyền giặc như nước chảy qua miệng phễu. Những
chiếc đi đầu đã va vào hàng cọc chắn ngang sông. Vài ba chiếc bị xô gãy,
thuyền đắm khiến những chiếc đi sau vấp nhau chồng đống. Những chiếc
tiếp sau hãm kịp, giăng giăng trùng điệp trước cửa sông.
Đúng lúc này hai bên bờ sông dân binh nổi trống đồng, trống cái lại
thêm tiếng kèn, tiếng tù và rúc inh ỏi, tiếng hô “Sát Thát” vang vang. Và