Đây là những chuyện xảy ra trên đất giặc đối với những kẻ theo giặc,
còn như ở trong nước thì hầu như chẳng còn ai nhắc đến họ nữa. Triều đình
đã tịch thu hết tài sản của những kẻ theo giặc. Ở trong nước, người trong
tôn thất mà theo giặc tùy theo tội nặng nhẹ đều xử như người thường,
nhưng bắt phải đổi sang họ Mai. Riêng những người trong hàng huynh đệ
với nhà vua như Trần Ích Tắc thì không bắt phải đổi họ, nhưng mỗi khi bất
đắc dĩ phải nhắc đến tên đều gọi là “ả”, tức thị coi họ như một thứ đàn bà
vô dụng.
Trước năm Ất Dậu ở Thăng Long và cả tứ trấn, không ai không biết
đến Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc là người tài hoa nổi tiếng. Trong tất cả
các môn nghệ thuật như cầm, kỳ, thi, họa không môn nào ông không rành.
Ông thường viết lời, chế nhạc rồi dạy cho ban nhạc trong dinh của ông ca
hát. Về họa, tranh của ông vẽ, sứ nhà Nguyên đến chơi khen nức nở. Họ
còn bảo tranh của ông vững hơn tranh của Tống Huy tông
[25]
. Bởi tranh
của ông lấy hồn làm cốt, còn tranh của Huy tông chỉ chạy theo cái đẹp
ngoại cảnh vì thế mà nó trở nên phù phiếm. Còn văn chương của ông thuộc
loại quán thông. Các bậc sĩ đại phu trong nước thường tỏ lòng ái mộ. Ông
lại có lòng đào tạo nhân tài cho nước. Các cậu bé thần đồng như Mạc Đĩnh
Chi, Nguyễn Trung Ngạn… đều được ông đưa về nuôi dạy sau này đều trở
thành người giỏi của nước.
Chiêu Quốc vương một thời lừng lẫy khắp Thăng Long, khắp đất
nước, song vì theo giặc mà hình ảnh ông bị xóa sạch trong kí ức mọi người.
Bữa nọ, khi những người lưu vong đang “bàn quốc sự” tại dinh Trần
Tú Hoãn thì Ích Tắc cho người sang gọi về cung nghe thánh chỉ.
Khi mọi người đã về đông đủ, áo mũ chỉnh tề, Trần Ích Tắc sai bày
hương án ra giữa nhà lại sai đốt trầm và đứng sắp hàng trước hương án.
Viên trung sứ từ Đại đô tới cung kính đặt tờ chiếu lên hương án rồi
vái ba vái đoạn y đi giật lùi ra phía ngoài.
Trần Ích Tắc và mọi người lần lượt vào quỳ lạy chiếu thư.
Viên trung sứ bóc niêm phong và tuyên đọc.