vào trận lập được công cao. Nếu thượng hoàng và quan gia còn băn khoăn
thì hãy cho Việp tạm quyền một thời gian.
- Dạ, việc đó xin thúc phụ cho cháu xin ý chỉ của phụ hoàng và cũng
còn phải cân nhắc đã. Bây giờ con xin phụ hoàng cùng bá phụ, thúc phụ trở
lại xem xét các điều mà bá phụ tâu ban nãy để có kế sách chống giặc sao
cho diệu dụng, vua Nhân tông nói và nhà vua đưa mắt nhìn về phía vua cha.
- Sau khi nghe anh Quốc Tuấn tâu báo, ta cũng đã có dự liệu, nhưng
trước hết muốn nghe kế sách của anh Quốc Tuấn, đành rằng anh nặng về
việc binh, nhưng ở đây anh là người trải đời, trải việc là người có bản lĩnh
vững vàng nhất, vua Thánh tông nói và ông hướng cái nhìn về phía Hưng
Đạo.
Trần Hưng Đạo không thể không nói vì thượng hoàng đã có ý muốn
nghe. Hưng Đạo bèn vái Thánh tông hai vái rồi nói:
- Tâu thượng hoàng, trước hết nói về cái triều đình bù nhìn do nhà
Nguyên lập ra, là để nó có tay chân sai bảo. Có nghĩa rằng nó lập ra một thứ
triều đình tôi tớ chứ không phải Hốt-tất-liệt muốn có mối quan hệ giao hảo
với một nước láng giềng, hoặc với một nước phên giậu.
Tâu, việc này thật chẳng khác gì việc của năm Tân Tỵ (1281) thượng
hoàng sai Di Ái sang sứ nhà Nguyên được chúng tôn lập, rồi sai Sài Thung
cùng năm ngàn quân dẫn y về nước bắt ta phải nhận. Năm đó, hoàng thượng
đã sai đuổi đám quân kia ra khỏi cõi, đón sứ vào Thăng Long còn Di Ái bắt
về trị tội.
Có điều lần này giặc đưa bọn bù nhìn về sẽ đi cùng với cả mấy trăm
ngàn quân giặc chứ không phải chỉ có năm ngàn như lần trước. Và chắc
chắn lần này ta không chỉ bắt lũ Việt gian mà còn bắt cả lũ tướng giặc trị
tội.
- Vậy chớ còn việc giặc huy động đại binh đánh ta thì sao. Liệu lần
này giặc đưa số quân gấp bội lần trước và chúng tăng quân thủy tới mức áp
đảo sở trường đánh thủy của ta thì sao. Anh thử tính xem, quân mình, dân
mình có còn đủ sức đánh lại với đội quân khổng lồ ấy không.