phụ cân nhắc. Còn như chú muốn chuyên tâm vào việc cầm quân cùng với
bá phụ lại đánh tan giặc dữ như năm Ất Dậu mới đây để bảo vệ muôn dân,
bảo toàn lãnh thổ thời đó là một ý nghĩ thần thánh. Chỉ những bậc đại trí đại
dũng mới làm được như vậy. Thưa chú, cháu vừa lo lắng vừa vui mừng
nhưng quả thật cháu không dám quyết.
- Quan gia nói thế, ý anh Quốc Tuấn thế nào? - vua Thánh tông hỏi.
Hưng Đạo nhìn lại gương mặt của từng người vẻ như ông muốn dò
thăm ý tứ, đoạn ông nói:
- Chiêu Minh vương thật lòng muốn dồn sức cho việc đánh giặc. Bởi
khi nước có giặc thì lo đuổi giặc là việc thiêng liêng nhất. Vì thế quan gia
mới nói đó là ý nghĩ thần thánh của vương. Song Quốc Tuấn tôi trộm nghĩ,
dù thời bình hay thời chiến, nền đại chính vẫn là rường mối, là huyết mạch
của một quốc gia. Cuộc kháng giặc năm Ất Dậu vừa qua, số quân ta dùng
chưa hết, vẫn còn hơn mười vạn quân chưa đưa vào trận, lại mọi thứ từ tải
lương, tải thương, rồi nơi chốn nào giặc chưa tới, vẫn phải lo việc nông tang
như thường, tất cả các việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của nền
đại chính. Trong cuộc kháng giặc vừa qua Chiêu Minh vương hoàn thành
xuất sắc cả hai chức trách Thái sư và Thượng tướng. Công lao ấy phải được
lưu lại sử xanh. Nay vương muốn dồn tất cả tinh lực của đời mình để dâng
hiến cho công cuộc bảo vệ đất nước, nhẽ nào thượng hoàng và quan gia
không ân chuẩn. Có điều rằng triều đình phải tìm được người thay thế xứng
đáng. Nếu bộ máy công quyền của nền đại chính không được thông suốt,
không được dân tin thì đó lại là một đại họa, ảnh hưởng xấu đến việc cung
cấp mọi nguồn lực cho công cuộc kình chống giặc dữ.
Được Hưng Đạo cổ vũ, Trần Quang Khải lấy làm đẹp ý, mắt sáng lên,
ông nói:
- Đa tạ anh Quốc Tuấn hiểu lòng tôi. Vậy tôi xin đề cử người thay thế.
- Ai vậy? - Thượng hoàng Trần Thánh tông vội hỏi.
- Tâu, từ lâu thần đã nghĩ đến hoàng thứ tử Tá Thiên vương Đức
Việp, xin thượng hoàng và quan gia xem xét. Tá Thiên vương tuy trẻ,
nhưng có tính cẩn trọng mà cương dũng có thừa. Năm Ất Dậu cầm quân