giả làm quân Nguyên từ Bạch Hạc tiến vào, hợp thành thế bao vây Vạn
Kiếp, về mặt bộ, một cánh “quân Nguyên” khác do Chiêu Văn vương phối
với Hưng Vũ vương và Phạm Ngũ Lão đem mười vạn quân bộ, quân kỵ
chiếm ải Nội Bàng tiến thẳng xuống chọc sườn phía tả quân Đại Việt. Vậy
là Vạn Kiếp tam phương thụ địch.
Tâu đây chỉ là đại lược, còn chi tiết cụ thể sẽ họp các tướng bàn bạc
để lập sa bàn và đường hướng diễn tập của từng mặt trận. Tâu, nếu có đủ
thời gian thì cả hai cuộc tập trận này phải kéo dài tới ba tháng để mọi tình
huống đều được khai thác đến tận cùng, điều đó rất có lợi cho tướng lĩnh và
binh lính khi đối mặt với kẻ thù đích thực.
Nghe xong các điều dự liệu của Quốc công tiết chế, Chiêu Minh
vương Trần Quang Khải lấy làm tâm phục, ông hỏi:
- Có phải anh Quốc Tuấn trù liệu trận này Thoát-hoan, Áo-lỗ-xích, Ô-
mã-nhi quyết đoạt bằng được chiến trường Vạn Kiếp của anh không?
Hưng Đạo giật mình nhưng ông đã kịp trấn tĩnh liền đứng dậy vái
Trần Quang Khải một vái và nói:
- Đệ biết hết cả ruột gan ta. Đúng thế, Vạn Kiếp là một địa bàn chiến
lược tiến lên có thể uy hiếp Thăng Long, Trường Yên, Thiên Trường; lui về
có thể giữ yên con đường thủy bộ huyết mạch. Bộ thì có con đường thiên lý
qua vùng Bắc Giang thượng hạ tiếp với Bằng Tường của nước Tàu. Thủy
thì từ Vạn Kiếp xuôi về Bạch Đằng giang qua nẻo Vân Đồn hoặc đi thẳng
ra cửa An Bang rồi ra biển. Đó chính là con đường thoái lui mà giặc cho là
sống còn của nó. Trận trước, khi tháo chạy chúng chỉ dồn về đường bộ qua
nẻo Tư Minh, Bằng Tường, quân chúng vón lại nên ta tiêu diệt được nhiều,
ngay cả Lý Hằng còn tử trận và Thoát-hoan cũng suýt chết. Vì vậy lần này
chúng phải chiếm các địa bàn chiến lược trọng yếu ngay từ khi chúng còn
giữ ưu thế về binh lực.
Trần Thánh tông bật lên tiếng cười lớn và hỏi:
- Anh Quốc Tuấn nói thế chẳng hóa ra Hốt-tất-liệt phái đại binh vào
nước ta lần này đã nhắm thế thủ bại từ trước khi xuất quân sao?