Bọn chúng vẫy gọi cậu, hớn hở đến với cậu. Cậu biết ngoài miệng
chúng nói làm một chút ham muốn tính dục, thật ra là để bọn chúng tập rê
chân, bọn chúng muốn rê cậu lăn thâm tím mặt mày, rê cậu lăn đến vãi đái
hộc mũi, Lý Trọc chạy trốn thục mạng. Ba tên kia cười hô hố nói với theo:
Này, thằng lỏi, đừng chạy, bọn tao không rê mày...
Trong mùa hè đó, để tránh ba học sinh trung học rê chân, Lý Trọc đã
thường xuyên phải chạy mất bay mất biến, chạy tung cả cát bụi, chạy ngã
dúi ngã dấp, chạy đến nỗi cái chân tám tuổi vừa đau vừa mỏi, chạy đến nỗi
cái phổi lên tám thở như kéo bễ, chạy đến nỗi con tim tám tuổi đập thình
thình loạn xạ, chạy đến nỗi cái thân tám tuổi chết đi sống lại. Sau đó Lý
Trọc mệt lử, rã rời, thất tha thất thểu đi vào trong ngõ có anh Đồng thợ rèn,
ông Trương máy khâu, ông Quan mài kéo và ông Dư nhổ răng.
Lúc này, bốn người Đồng, Trương, Quan, Dư đều đã là thợ rèn cách
mạng, thợ may cách mạng, thợ mài kéo cách mạng, thợ nhổ răng cách
mạng. Khi khách cầm vải đến hiệu may ông Trương, ông Trương phải hỏi
thành phần giai cấp gì trước đã? Nếu là bần nông, ông Trương tươi cười
đón tiếp, nếu là trung nông, ông Trương miễn cưỡng nhận vải, nếu là địa
chủ, ông Trương lập tức dơ cao nắm đấm hô mấy tiếng khẩu hiệu cách
mạng, khách hàng địa chủ sắc mặt xám ngoét ôm vải ra khỏi cửa hiệu, đi ra
ngõ rồi, ông Trương còn đứng ngoài cửa nói với theo khách hàng địa chủ
đang đi:
Tao sẽ may cho mày cái áo thọ, à quên, sai rồi, cái tấm vải bọc xác
chết rách nát nhất.
Hai bố con ông Quan, thợ mài kéo giác ngộ cách mạng còn cao hơn
Trương thợ may, khách bần nông không lấy tiền, khách trung nông lấy
nhiều tiền, khách địa chủ phải ôm đầu chui lủi như chuột. Hai bố con ông
Quan, đứng ở ngoài cưả hiệu, dơ cao hai cái kéo mài xoèn xoẹt, hô với theo