- Cho người ta rồi - Lý Trọc nói - Cho anh chàng ngố máu gái, một tay
dưới quyền trước kia.
Lý Trọc cổ tay đeo đồng hồ chạy theo giờ Bắc Kinh, tiếp tục cố gắng,
dựng luôn một mái lều tranh ở ngoài cổng trụ sở uỷ ban huyện. Anh ta mua
tre và cỏ tranh, huy động người và vốn dựng lều. Trong mười bốn anh thọt
ngố mù điếc của Xưởng phúc lợi có mười ba người đến làm giúp, chỉ có
anh chàng ngố máu gái không đến. Bốn anh mù đứng thành một hàng,
chuyền tay nhau từng bó cỏ tranh, hai anh ngố chịu trách nhiệm giữ cây tre,
hai anh thọt tay khỏe, chịu trách nhiệm buộc cây tre. Năm anh điếc là quân
chủ lực, ba anh ở dưới lấy cỏ tranh làm thành tường, hai anh leo lên lấy cỏ
tranh lợp mái. Lý Trọc hoa chân múa tay làm tổng chỉ huy công trường. Họ
gọi nhau ơi ới, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, làm trong ba hôm xong lều tranh,
Lý Trọc mới nghĩ đến chàng ngố máu gái, hỏi Thọt xưởng trưởng. Thọt
xưởng trưởng bảo, trước kia đi làm về nhà, ngố máu gái chưa bao giờ đi
muộn về sớm. Từ sau khi đeo chiếc đồng hồ chạy theo thời gian quốc tế,
anh ta không đến Xưởng phúc lợi lần nào. Thọt xưởng trưởng hỏi Lý Trọc:
- Liệu có phải thời gian quốc tế đã làm cho ngố máu gái trở nên hồ
đồ?
- Chắc chắn là thế rồi - Lý Trọc cười hì hì bảo - Đấy gọi là chênh lệch
thời gian.
Mười ba trung thần rầm rầm rộ rộ chở giường và bàn ghế từ nhà Lý
Trọc đến lều tranh, còn chuyển đến cả chăn, quần áo, chậu rửa mặt, bếp
dầu, bát đũa, cốc chén... Lý Trọc giương giương tự đắc vào ở trong lều
tranh, đóng trại ở ngoài cổng trụ sở uỷ ban huyện. Không bao lâu, dân
chúng thị trấn Lưu nhìn thấy nhân viên Cục bưu điện đến lều tranh ráp máy
điện thoại cho Lý Trọc. Đây là chiếc máy điện thoại tư nhân đầu tiên ở thị
trấn Lưu. Dân chúng cứ luôn mồm chép miệng kháo nhau, thật không ngờ,
thật không ngờ! Tiếng chuông điện thoại của Lý Trọc réo từ sáng đến tối,