Ông Dư cười toe toét nói với ông Vương:
- Thật rồi.
Ông Vương càng hí hửng, giơ tay cho ông Dư xem:
- Ra cả máu đây này.
Hai cái mồm của ông Dư và ông Vương là những cái loa phát thanh
nhân dân của thị trấn Lưu chúng tôi. Sau khi gặt hái bội thu, hai ông hớn hở
ra mặt, hễ trông thấy ai là kể bô bô câu chuyện phát tài của mình. Người
ngoài nghe thấy hâm mộ vô cùng. Riêng anh Đồng thợ rèn, ông Trương thợ
may, Tiểu Quan mài kéo lại nhăn nhó, chết cay chết đắng. Trong những
ngày này, ông Trương và Tiểu Quan ngày nào cũng gặp nhau, oán trách anh
Đồng, hối hận khi ấy mình không góp vốn. Hai người lời đi tiếng lại, đổ lỗi
cho anh Đồng đã ngăn cản mình góp cổ phần. Họ bảo, nếu không có thằng
cha Đồng thợ rèn đứng ra ngăn cản, thì bây giờ mình cũng phong lưu chẳng
kém gì ông Vương và ông Dư, thậm chí còn phong lưu hơn. Sự việc xảy ra
rồi, hai người mới là Gia Cát Lượng, họ bảo lúc bấy giờ chắc chắn sẽ bán
hết gia sản lấy tiền mặt góp toàn bộ vào sự nghiệp rác thải của Lý Trọc.
Anh Đồng thợ rèn biết tỏng hai thằng khốn nạn ngày nào cũng chụm đầu
ghé tai xì xầm mắng chửi mình. Anh ta giả đò không biết. Ngồi trong cửa
hiệu của mình, anh Đồng cũng hối không kịp. Anh thầm nghĩ, lần thứ nhất
khi không nên góp cổ phần, mình lại góp. Lần thứ hai khi nên góp vốn,
mình lại không góp, đúng là mình có mắt như mù. Anh Đồng hết nắm tay
lại xoa tay, trút hết giận trong bụng lên mười ngón tay. Người hối hận nữa
phải kể đến là bà Tô. Khi Lý Trọc sải cánh đại bàng lần thứ hai rời khỏi thị
trấn Lưu, đã từng hỏi bà Tô có tham gia hay không. Trông thấy của cải sắp
sửa đổ vào cuồn cuộn, bà Tô nghĩ lâu lắm không đi chùa thắp hương, đã lắc
đầu từ chối. Mỗi lần nghĩ đến việc này, bà Tô lại than thở, lúc đó nếu vào
chùa thắp hương, mình nhất định sẽ tham gia. Gặp ai bà Tô cũng nói:
- Không đi chùa thắp hương, là không linh nghiệm.