Sau khi sang Nhật Bản về, Lý Trọc biết sự nghiệp rác thải của mình đã
đạt tới đỉnh cao, nếu làm tiếp sẽ đi xuống dốc. Lý Trọc bắt đầu lập nghiệp
mới. Đầu tiên anh ta mở một xưởng may đo. Nhớ tình cũ nghĩa xưa, anh ta
mời ông Trương thợ may làm xưởng phó kỹ thuật. Ông Trương cảm động
rớt nước mắt, đeo cái thước da trước ngực, ông là người đến làm việc đầu
tiên và cũng là người ra về cuối cùng trong ngày, say sưa chăm chỉ nắm
khâu chất lượng của phân xưởng. Sau khi xưởng may đo chớm khởi sắc Lý
Trọc lại cố gắng ra tay gây dựng hai khách sạn và một trung tâm tắm gội,
còn làm thêm cả kinh doanh nhà đất. Đến cuối năm thứ hai, khi lại chia lợi
nhuận, ông Dư và ông Vương quả nhiên được chia mười vạn và năm vạn
tiền lãi. Lần này hai ông không còn sửng sốt khiếp vía nữa. Bộ mặt của hai
ông dường như đã nằm trong dự kiến. Khi đến mỗi ông xách một cái túi du
lịch. Khi cho tiền vào trong túi du lịch, nét mặt hai ông nhẹ nhõm như đổ
gạo vào chum.
Ngồi trên ghế, Lý Trọc nhìn hai ông thong thả đút từng xấp từng xấp
tiền vào túi du lịch, tỏ ra hết sức hài lòng. Lý Trọc khen hai ông:
- Các ông đã trở nên thành thục.
Ông Dư và ông Vương cười mất tự nhiên, sau đó ngồi im. Lý Trọc cúi
đầu suy nghĩ một lát, ngẩng lên nói với hai ông:
- Người xưa nói "buôn đứng bán ngồi", buôn bán tới khi ngồi xuống
mới là buôn bán, mới thật sự là buôn to bán lớn, còn chạy đi chạy lại chỉ là
buôn thúng bán mẹt, bán hàng rong.
Lý Trọc nói với ông Dư và ông Vương, bây giờ nhà to nghiệp lớn rồi,
buôn bán rác thải vẫn còn làm, Xưởng may đo càng ngày càng tuyển nhiều
công nhân, hai khách sạn và một trung tâm tắm gội đang phất lên như diều,
lại còn mấy dự án nhà đất, mình suốt ngày chạy đi chạy lại như một anh
bán hàng rong, ngày nào cũng phải đi kiểm tra các nơi. Lý Trọc bảo, bây
giờ còn chạy đi chạy lại được, sau này ngộ nhỡ có những bốn mươi, thậm