Mười bốn trung thần anh nọ thúc đẩy anh kia, khóc ầm ĩ. Lý Trọc cảm thấy
sâu sắc, trời cao đất dầy, nhân gian mù mịt, chỉ có mười bốn trung thần có
thể chia sẻ nỗi đau buồn và hối hận trong lòng mình.
Sau đó Lý Trọc về Công ty làm việc. Anh ta đến làm việc là để hoàn
thành lời dặn dò của Tống Cương. Anh ta sai Phó Lưu gọi điện cho tất cả
bạn hàng, sai khách sạn anh ta mở, bày tiệc đậu phụ trong ba ngày, mời
những người giầu có anh ta quen biết đến thị trấn Lưu. Sau khi Phó Lưu lên
bảng danh sách, cầm điện thoại gọi hẳn một ngày báo tin cho họ biết, người
anh em Tống Cương của Lý Trọc đã qua đời, mời họ đến dự bữa tiệc đậu
phụ truy điệu Tống Cương. Sau một ngày gọi điện thoại, cổ Phó Lưu đã
khản đặc. Anh ta đã mời bạn hàng ở các địa phương trong cả nước, mời các
vị tai to mặt lớn của cả huyện cả thành phố đến dự, không mời một ai
nghèo khó và thấp cổ bé họng.
Tiệc đậu phụ của Lý Trọc bắt đầu từ bữa sáng, cho mãi đến bữa trưa
và bữa tối. Có một số người đáp máy bay mấy tiếng đồng hồ, lại đi ô tô hai
tiếng đồng hồ nữa, đến nơi đã nửa đêm, Lý Trọc liền mở tiệc đậu phụ ban
đêm. Sau khi thiêu xác Tống Cương, Lý Trọc lại gặp Lâm Hồng một lần
nữa. Hai người nhìn nhau lạnh nhạt, như người dưng nước lã. Lý Trọc và
Lâm Hồng khoác áo đay trắng, đội khăn lụa đen, đứng ba ngày ở cửa khách
sạn. Các khách quí đến dự tiệc đậu phụ, người nào cũng nhét vào tay Lâm
Hồng một chiếc phong bì to. Phong bì nào ít, cũng bỏ mấy ngàn đồng,
phong bì nào nhiều có đến vài vạn. Nhân viên ngân hàng ngày nào cũng
thấy Lâm Hồng đến gửi tiền. Lần nào cũng gửi một bó tướng. Hết ba ngày,
Lâm Hồng nhận hơn một triệu chiếc phong bì. Dân chúng đồn nhau, chị thu
được mấy hiệu đồng nhân dân tệ. Dân chúng bảo, Lâm Hồng đếm tiền sưng
cả ngón tay, trật cả khớp cổ tay, chảy cả máu mắt.
Bày xong tiệc đậu phụ, Lý Trọc nói với Lâm Hồng:
- Anh Tống Cương dặn tôi bố trí cho chị một cuộc sống tử tế, chị còn
yêu cầu tôi làm gì nữa?