Trong khi chăm chỉ chịu khó học tiếng Nga, Lý Trọc cũng bắt đầu rèn
luyện cơ thể. Đầu tiên tập trong phòng, sau đó chạy bộ, tập bơi, rồi chơi
bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, quần vợt, bóng đá, bôlinh và chơi gôn. Việc
tập luyện của Lý Trọc luôn thay đổi, mỗi kiểu chưa vượt quá hai tuần đã
chán. Lúc này tâm hồn Lý Trọc trở nên thư thái, thanh tịnh, ít ham muốn,
giống như một nhà sư, chỉ ăn chay không ăn thịt cá. Ngoài thời gian học
tiếng Nga và tập luyện, anh ta thường nhớ đến bữa cơm giỏi giang của
Tống Cương nấu hồi còn bé. Nghĩ đến Tống Cương, Lý Trọc lại quên sạch
tiếng Nga, nét mặt đầy vẻ mồ côi, bất giác nói tiếng địa phương thị trấn
Lưu chúng tôi. Sau đó cứ lẩm bẩm nhắc lại câu cuối cùng Tống Cương viết
trong thư để lại:
- Cho dù sinh ly tử biệt, chúng ta vẫn là anh em.
Lý Trọc đã mở mười một khách sạn ở thị trấn Lưu chúng tôi. Khách
sạn nào anh ta cũng đến ăn thử một lượt vẫn không ăn được bữa cơm nào
ngon lành như bữa "cơm Tống Cương" nấu hồi nhỏ. Anh ta lại đi ăn ở các
nhà hàng khách sạn khác cũng không có. Lý Trọc chi không tiếc tiền, vẫn
không có "cơm Tống Cương" mà ăn, ăn xong cũng để trên bàn mấy trăm
đồng rồi mới đi. Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi nhao nhao nấu cơm
riêng trong nhà, mời Lý Trọc đến nếm thử xem có phải "cơm Tống Cương"
trong huyền thoại hay không? Lý Trọc đã lần lượt đến ăn từng nhà. Sau đó
không ăn nữa, nhìn vào là biết ngay. Anh ta để tiền cơm trên bàn, lắc đầu
đứng dậy, lắc đầu nói:
- Không phải "cơm Tống Cương ".
Lý Trọc nhớ "cơm Tống Cương" như thế, một số dân chúng có đầu óc
làm ăn buôn bán của thị trấn Lưu chúng tôi phát hiện có thời cơ kiếm tiền,
nhao nhao đi khai thác di vật của Tống Cương như nhà khảo cổ, chuẩn bị
bán cho Lý Trọc với giá hời. Có một người may mắn tìm được một chiếc
túi du lịch in hai chữ "Thượng Hải". Khi Tống Cương theo Chu Du đi khỏi
thị trấn Lưu, trong tay xách chiếc túi du lịch, nhưng bị Chu Du quăng vào