CHƯƠNG VIII : MỘT CÔNG TRÌNH CỦA NHÂN DÂN DO-
THÁI
Duyệt xét lại toàn bộ các nhân tố và những hoàn cảnh khách quan đã
đưa dẫn tới việc dựng nước Israël, bất kỳ nhà sử học và chánh trị gia nào
cũng đều phải xác nhận một thực tại không thể chối cãi được : đó là tánh
chất nhân dân của việc lập quốc Do-Thái.
Tân quốc gia Israël là một chiếc đỉnh ba chân : một chân là truyền
thống lịch sử, một chân là các cơ sở kinh tế Kibboutzim, và một chân là
quân lực Do-Thái, xuất phát từ các tổ chức võ trang du kích.
Truyền thống lịch sử của Do-Thái đã bắt nguồn từ thời tiền sử của
nhân loại, khi mà loài người còn sống dưới tình trạng các bộ lạc sơ khai. Bộ
lạc Abraham đã được coi là đám người Do-Thái đầu tiên lập quốc, và trải
qua thời kỳ du mục, được Cựu ước thi vị hóa và oanh liệt hóa bằng những
cuộc chinh phạt đánh Đông dẹp Bắc để mở mang bờ cỏi, dân tộc Israël vẫn
tựu trung là một dân tộc lấy nhân dân làm gốc. Thảng hoặc có được những
lãnh tụ nổi bật một thời, như Mai-Sen (Moise) hoặc Salomon, thì rốt cuộc
lịch sử Do-Thái cũng không quên ghi chép việc chống đối của đám dân
chúng đối với các lãnh tụ đó. Khi Mai-Sen từ trên núi Sinai trở xuống,
muốn truyền dạy cho nhân dân những lệ luật mà Ông nói là của Thiên Chúa
ban cho, thì ông đã vấp ngay phải sự chống đối của dân chúng. Lịch sử
chép rằng khi đó Mai-Sen quá giận dữ, đã ném vỡ tấm bia đá có ghi chép
mười điều luật của Yahvé, vì trước mắt Mai-Sen, dân Do-Thái đang sấp
mình xuống thờ lạy một tiền thân của Shiva, là một trong ba ngôi Thiên
Chúa của người Bà la môn, được tượng trưng bằng hình ảnh một con bò
đúc bằng vàng. (Cũng như một trong những tiền thân xa xưa của Phật
Thích Ca là con bạch tượng vậy).
Lịch sử của thời sáng chế (gọi là Sáng thế ký hay Genèse) cũng như
suốt giai đoạn Cựu ước đều được ghi chép theo lề lối tượng hình và ngụ ý.