Do đó mới có việc Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa dựng lên trời đất trong
bẩy ngày và lấy đất bùn làm nên con người, vân vân… Nghĩa là cần hiểu
Sáng thế ký và Cựu ước theo những ẩn ý hơn là theo chữ. Do đó, việc Cựu
ước ghi chép lại sự chống đối của dân tộc Hébreu đối với một lãnh tụ vĩ đại
như Mai-sen cho thấy rằng dân Do-Thái, ngay từ thời đó, đã có khuynh
hướng không chịu chấp nhận những gì xuất phát từ ngoài mà tới, bất kỳ từ
đâu, và đám dân này chỉ tuân theo có những luật lệ do nhân dân họ cùng
đưa ra mà thôi. Mặc dầu Mai-sen đã nhân danh Yahvé mà toan bề đem các
điều luật của ông mà chế ngự dân Hébreu, nhưng ông cũng vẫn vấp phải
căn bản thuần túy nhân dân của đám người Do-Thái, đã bầu ông làm lãnh
tụ để đưa dẫn họ tới nơi Đất hứa.
Lịch sử của dân tộc Do-Thái còn cho thấy tánh chất nhân dân lãnh đạo
một cách rõ rệt hơn nữa, trong trường hợp của vua David. Đây là một vị
vua thoạt đầu được toàn dân Hébreu rất ngưỡng mộ vì coi là hiện thân của
Thiên Chúa. Các nhà tiên tri có tên tuổi nhứt cũng đều xác nhận rằng David
là truyền nhân của Yahvé, và là lãnh tụ đích thực do Yahvé lựa chọn cho
dân tộc Hébreu. Vậy mà tới khi cầm quyền trị vì được ít lâu, David cũng
vẫn bị toàn dân chống đối, chỉ vì mưu toan đi vào con đường độc tài và độc
tôn. Câu chuyện David và Bethsabée chỉ là điển hình cho việc đối kháng và
bất phục tùng, giữa một đám nhân dân có truyền thống tự cai trị lấy mình
và một nhà lãnh đạo tưởng rằng có quân quyền trong tay thì muốn bắt dân
thế nào cũng được.
Truyền thống lịch sử của Do-Thái là một truyền thống nhân dân, nghĩa
là không có một lãnh tụ nào dầu tài ba và hiển hách đến mấy, mà có thể
định đoạt thay quyền của nhân dân được. Lãnh tụ xuất thân từ nhân dân, do
nhân dân chọn lựa và đưa ra địa vị chỉ đạo. Do đó, khi một lãnh tụ muốn
dùng uy quyền sẵn có trong tay để quay lại thống trị nhân dân theo một
đường lối mà nhân dân không được tham gia quyết định, thì tức khắc lãnh
tụ đó bị lật nhào, cùng với những hào quang sáng chói nhứt mà nhân dân đã
thêu dệt cho họ trước khi đưa họ ra địa vị lãnh đạo.