Tháng giêng năm 1946, chánh phủ Luân-Đôn ban hành quyết định :
dùng quân đội và cảnh sát bình định cho được các khu giải phóng của Do-
Thái, tước khí giới toàn bộ các tổ chức võ trang Haganah, hủy diệt chớp
nhoáng các cơ sở công đoàn Do-Thái, giải tán trên danh nghĩa Chi nhánh
Do-Thái (Agence Juive), và lùng bắt tất cả các lãnh tụ Do-Thái.
Liền sau đó, quân đội Anh bắt giam 3000 người Do-Thái, hành quân
san bằng 27 trại Kibboutz, tịch thâu hết những gì mà họ có thể mang đi
được.
Cuộc kháng chiến của người Do-Thái càng lúc càng ác liệt và toàn
diện. Các khẩu hiệu « Tận dân vi binh, toàn dân kháng chiến » được vẽ
khắp các đường phố có người Do-Thái cư ngụ. Theo sự tính toán của các
nhà lãnh đạo Luân-Đôn thì chỉ cần huy động một lực lượng quân đội đông
đảo, tung vào việc bình định, là có thể tiêu diệt được toàn bộ các ổ kháng
chiến của du kích quân Do-Thái trong vòng vài tuần. Do sự tính toán này,
chánh phủ Anh đã đổ qua Palestine, vào tháng giêng 1947, một quân đội
tổng cộng là 200.000 lính chánh quy, được trang bị đầy đủ võ khí tối tân, và
đã có kinh nghiệm trong cuộc chống du kích Pháp và Ý trong kỳ đại thế
chiến. Số quân trên đây, gồm phần lớn bộ binh, có thiết giáp và nhiều loại
cơ giới yểm trợ, được tăng cường thêm bởi những đoàn quân địa phương,
do người Anh trả tiền và cố vấn. Số quân địa phương này, mà danh từ
kháng chiến của Do-Thái gọi là « ngụy » (traitres), gồm có tất cả gần
300.000, đóng đồn và làm chốt khắp các làng mạc. Tổng cộng là lực lượng
của Anh, vào tháng 2-1947, tại Palestine lên tới con số quân khủng khiếp là
nửa triệu lính, đối chọi với một đám người nhỏ bé, súng ống toàn loại cá
nhơn và không có lấy một phương tiện nào để đương đầu với chiến xa và
đại bác, ngoại trừ việc lẩn trốn.
Kể từ tháng 2-1947, chánh quyền Anh tại Palestine ban hành lệnh giới
nghiêm và thiết quân luật suốt ngày đêm, đặt toàn vùng Palestine trong một
tình trạng khẩn cấp.