hàng về đơn hàng, vì đơn giản hàng hóa đã được giao đến cửa nhà
trước thời điểm khách hàng dự tính.
Amazon đạt doanh thu 61 tỉ đô la trong năm 2012, năm thứ 17
công ty đi vào hoạt động, và sẽ trở thành nhà bán lẻ tăng trưởng
nhanh nhất lịch sử khi vượt qua con số 100 tỉ đô la. Cái tên Amazon
được khách hàng yêu thích và gây ra nỗi sợ hãi cho những đối thủ
cạnh tranh. Thậm chí, Amazon đã trở thành thuật ngữ kinh doanh
một cách không chính thức và không hoàn toàn mang nghĩa tích cực.
To be Amazoned (Bị Amazon hóa) có nghĩa là “phải bất lực đứng
nhìn một công ty mới phất từ Seattle chiếm được khách hàng và lợi
nhuận của công ty kinh doanh sử dụng mạng lưới phân phối truyền
thống”.
Đối với đa số công chúng, lịch sử của Amazon là một trong
những câu chuyện điển hình cho kỷ nguyên Internet. Công ty khởi
nghiệp khiêm tốn khi ban đầu chỉ bán sách trực tuyến. Sau đó,
bắt kịp làn sóng đang lên đầu tiên trong giai đoạn huy hoàng của
kỷ nguyên dot-com vào cuối những năm 1990, công ty tham gia
kinh doanh âm nhạc, phim ảnh, đồ điện tử và đồ chơi. Tránh được
thảm họa bong bóng dot-com vỡ vào năm 2000, 2001 và bất chấp
làn sóng hoài nghi về tương lai của kinh doanh trực tuyến, công ty
hoàn thiện hệ thống phân phối hàng hóa và triển khai mở rộng
kinh doanh sang lĩnh vực phần mềm, trang sức, quần áo, đồ
dùng thể thao, phụ tùng ô tô – bất kỳ hàng hóa gì mà bạn có thể
nghĩ tới. Ngay khi vừa trở thành nhà bán lẻ hàng đầu trên Internet
và cổng giao dịch hàng đầu dành cho những nhà bán hàng khác kinh
doanh hàng hóa của họ, Amazon đã tái định vị bản thân một lần nữa
để trở thành một công ty công nghệ linh hoạt bán hạ tầng điện toán
đám mây với tên gọi Amazon Web Services (Dịch vụ Web Amazon) và
những thiết bị kỹ thuật số thiết thực có mức giá vừa phải, như
thiết bị đọc sách điện tử Kindle và máy tính bảng Kindle Fire.